Lạ mắt, lạ tai: Bệnh nhân đi khám bệnh cho Giáo sư?

Tại nhiều bệnh viện lớn ở nước ta, người dân khi đến khám đã được lựa chọn người thăm khám cho mình. Tùy nhu cầu hay sự tin tưởng mà họ có thể chọn bác sĩ A, bác sĩ B, bác sĩ Trưởng khoa, Phó trưởng khoa...

Tuy nhiên, tại một số bệnh viện, cách thức thể hiện ngôn ngữ đã gây nên nhiều suy nghĩ. Ấy là khi tấm biển tại một phòng khám dịch vụ ghi: "Đăng ký khám Giáo sư, Phó giáo sư".

Theo PGS-TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam: “Nếu chỉ căn cứ vào biển này, không ít người sẽ suy luận: Đây là nơi xếp hàng đăng ký khám sức khỏe cho những ai có học hàm Giáo sư và Phó giáo sư. Nhưng nếu đọc những thông tin phụ tiếp theo ở dưới (Khám Giáo sư, trong giờ: 350.000đ/ lượt, ngoài giờ: 500.000đ/ lượt; Khám Phó Giáo sư, trong giờ: 250.000đ/ lượt, ngoài giờ: 300.000đ/ lượt) thì nhiều người sẽ hiểu khác.

PGS.TS Phạm Văn Tình. 

Rằng những ai có nhu cầu chữa bệnh đến đây sẽ có quyền lựa chọn người khám cho mình. Được những người có trình độ cao trong lĩnh vực y học (như Giáo sư và Phó Giáo sư) sẽ phải nộp tiền nhiều là đương nhiên và hoàn toàn xứng đáng”, PGS. TS Phạm Văn Tình nêu vấn đề.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, ông cho rằng ở đây liên quan tới ngôn từ, chữ nghĩa cần bàn.

Cụ thể, trong tiếng Việt lâu nay vẫn tồn tại một tổ hợp gồm ba âm tiết: Khám bác sĩ. Ví dụ ta thường nghe nói: “Tớ thấy cậu dạo này không được khỏe. Có lẽ cậu nên tranh thủ đi khám bác sĩ đi”; hoặc “Hôm qua cái Linh đi khám bác sĩ rồi. Hóa ra là cô nàng ốm nghén chứ chẳng phải ngộ độc thức ăn như mọi người vẫn tưởng”.

Nếu phân tích theo cú pháp thông thường, thì câu: “Hôm nay tôi đi khám bác sĩ”, ta có thể phân xuất ra các thành phần sau: Hôm nay (trạng ngữ chỉ thời gian) + tôi (chủ ngữ) + đi khám (vị ngữ) + bác sĩ (bổ ngữ). Như vậy, bác sĩ là “đối tượng” để cho ai đó “khám”? Nhưng không có một người Việt nào với cảm thức ngôn ngữ bình thường lại có thể hiểu “kỳ cục” như thế. Đa số sẽ hiểu ngữ nghĩa câu này là “Hôm nay, tôi đi (đến một cơ sở dịch vụ y tế nào đó) để bác sĩ (ở đấy) khám bệnh cho tôi” ("bác sĩ" là chủ thể, "tôi" là đối thể). Đây là cái “bất hợp lý” của một cấu trúc bất bình thường nhưng lại có một ngữ nghĩa rất độc đáo và thú vị.

Từ đó ông đặt vấn đề, có người sẽ nói: Thế thì viết “khám Giáo sư”, “khám Phó Giáo sư” có gì khác với viết “khám bác sĩ” như cách hiểu trên đâu?

Tấm biển trước một phòng khám dịch vụ của bệnh viện. 

Về vấn đề này, PGS.TS Phạm Văn Tình lý giải: "Tổ hợp “khám bác sĩ” được dùng phổ biến, nó quen đến mức ta nghe mà nhiều khi không nhận ra cái “phi lý” trong cấu trúc hình thức. Nhưng cái phi lý này nằm trong một ngoại lệ. Và nếu ta lại “tái cấu trúc” kiểu này cho một kết hợp tương tự khác thì lại không ổn.

Chẳng hạn, các kết hợp như “khám y tá”, “khám y sĩ”, “khám Giáo sư”, “khám phó Giáo sư” sẽ không được hưởng “đặc ân” như cấu trúc “khám bác sĩ”. Phát ngôn đại loại như “Hôm nay tôi đi khám y tá”, sẽ “lạ tai” và không được người nghe chấp nhận. Cũng như vậy “khám Giáo sư”, “khám Phó Giáo sư” với hàm ý mà phòng khám nọ định sử dụng sẽ không được chấp nhận mà phải viết là “Phòng Giáo sư khám”, “Phòng Phó Giáo sư khám” (hoặc “Phòng khám do Giáo sư/ Phó Giáo sư đảm nhiệm”)".

Ngay cả khi người khám là bác sĩ cũng phải ghi là “Phòng bác sĩ khám” (hoặc “Phòng khám do bác sĩ A. phụ trách”). Cũng bởi tổ hợp “khám bác sĩ” như ta vừa nói chỉ được chấp nhận khi thêm ta chữ “đi” (đi khám bác sĩ) và được đặt trong một phát ngôn cụ thể.

Từ đó, PGS. TS Phạm Văn Tình đưa ra quan điểm: "Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu có những cơ chế, quy luật riêng. Điều này giúp cho việc lĩnh hội và thụ đắc ngôn từ dễ dàng nếu ta tìm ra quy luật của nó. Nhưng nhiều khi vẫn có những trường hợp đặc biệt nằm ngoài những quy tắc. Nó tồn tại do thói quen được hình thành trong cộng đồng (“Đầu tiên là chưa có đường. Người ta đi mãi thì thành đường” - Lỗ Tấn)".

Cũng theo ông Tình, áp lực của thói quen cộng đồng làm cho nhiều hiện tượng ngôn ngữ tồn tại như một ngoại lệ. Mà đã là ngoại lệ thì nó nằm ngoài quy luật chung. Tiếng Việt và nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới đã và đang tồn tại những trường hợp như vậy. Không thể căn cứ vào một trường hợp cá biệt để áp dụng cho các trường hợp khác.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

(PLO)- Những tuần làm việc đầu năm, nhiều người trẻ đối mặt với hội chứng “căng thẳng sau mùa lễ hội” bởi dư âm của kỳ nghỉ Tết và du xuân còn đọng lại, cộng với áp lực công việc, cuộc sống khiến không ít người lo lắng, căng thẳng mệt mỏi.

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

(PLO)- Vừa qua, Công ty Cổ phần Du Lịch Thương Mại & Xây Dựng Trân Châu (thành viên Tập đoàn KN Holdings) đã tổ chức sự kiện ra mắt thương hiệu cà phê TACERLA COFFEE và khai trương nhà rang xay cà phê tại Khu du lịch và nghỉ dưỡng Trân Châu Beach & Resort tọa lạc tại TT. Phước Hải, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

(PLO)- Chiến dịch truyền thông với thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi; Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời” kêu gọi toàn dân, chính quyền địa phương và các ban ngành cùng hành động vì động vật hoang dã.