Bài kiểm tra Văn khối 10, Trường THPT Trịnh Hoài Đức, Bình Dương vừa diễn ra ngày 20-4. Trong đề thi, có sử dụng bản rap “Con trai cưng”của K-ICM, B Ray.
Đề thi có nội dung như sau:
Đề kiểm tra Văn lớp 10 Trường THPT Trịnh Hoài Đức, Bình Dương.
Đọc hiểu (3 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu
CON TRAI CƯNG
Con trai cưng của mẹ
Bạn bè gọi có mặt, riêng ba mẹ nói là nó không nghe
Con trai cưng của mẹ, chơi hết đời tuổi trẻ,
Hơn hai mươi tuổi đầu nhưng khi ở nhà vẫn là em bé.
Vì nó là, con trai cưng của mẹ nó
Con trai cưng của mẹ nó,
Con trai cưng của mẹ nó,
Ở ngoài kia phong ba bão tố về nhà luôn có mẹ chở mẹ che.
Con trai không bao giờ nhớ mẹ,
Con trai không tâm sự với cha,
Con trai chưa bao giờ phải khóc,
Trừ khi mẫu giày nó thích vừa mới ra…
Gọi nó là con trai, con trai cưng, chưa từng tự mình đứng vững hai chân…
Thích làm đầu gấu, rất là tự hào nắm đấm có màu máu,
Thích thể hiện, để giữ cái thể hiện, rồi lại bất ngờ khi ôm cái đầu máu,
Rồi ai sẽ phải xin lỗi từng nhà, coi mấy thằng bạn nó có đứng ra,
Để coi ai thăm viếng, mỗi khi nó kiếm chuyện,
..
Đủ lớn để làm, thì đủ lớn để chịu, đủ lớn để học, thì đủ lớn để hiểu,
Đủ sức chìa tay ra xin tiền,
Thì phải đủ tự trọng không dùng tiền để mua sĩ diện.
Hãy để tâm hồn là thánh đường, đừng biến nó thành sở thú.
Để bao nhiêu bạn bè, hay bao nhiêu vật chất, thì cuộc đời cũng không bao giờ đủ.
(Trích lời bài rap “Con trai cưng” – Bray, Masew)
Câu 1: (0,5 điểm) Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích trên
Câu 2: (0,75 điểm) Theo văn bản, những thói hư tật xấu của giới trẻ hiện nay là gì?
Câu 3. (0,75 điểm) Trong câu:
“Hãy để tâm hồn là thánh đường, đừng biến nó thành sở thú”
Tác giả sử dụng biện pháp tu từ gì? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng.
Câu 4: (1 điểm) Viết một đoạn văn (khoảng 7 -10 dòng) trình bày suy nghĩ của anh/chị về việc làm thế nào trở thành “con cưng” thật sự.
Đề thi nhận được nhiều phản hồi từ độc giả.
Bạn Nguyễn Thế Bảo nói rằng: “Đề hay quá. Câu hỏi đúng trọng tâm. Em cũng thích bài này luôn”.
Tương tự, thầy giáo Thiều Quang Thịnh, giáo viên trường THPT Long Thới, Nhà Bè, cho rằng đề thi bắt kịp xu hướng, sở thích của các em học sinh, mang trong đó hơi thở cuộc sống của giới trẻ. Cách đặt vấn đề khá gần gũi và phù hợp với định hướng giáo dục hiện nay trong nhà trường phổ thông.
Là người ra đề, cô Thanh Tuyền, giáo viên môn Văn, Trường THPT Trịnh Hoài Đức, Bình Dương cho biết khi giáo dục học sinh qua những vấn đề các em đang quan tâm thì sẽ rất hiệu quả. Hơn nữa, học trò khi nghe rap, nghe hát chủ yếu nghe giai điệu, thực tế các em cũng không hiểu rõ về nội dung cũng như thông điệp mà tác giả muốn nhắn gửi tới.
“Đặc biệt, trong bài đã nêu lên thực tế hiện nay một bộ phận giới trẻ được cưng chiều, đua đòi, ăn chơi. Các em không thấy được vai trò quan trọng của gia đình, vì thế thờ ơ, vô tâm với những đấng sinh thành. Qua đề thi này, đặc biệt khi trả lời được câu hỏi số 4, học trò sẽ hiểu rõ, tự ý thức rèn luyện bản thân để trở thành một “đứa con cưng” thật sự trong gia đình, chứ không phải đứa con cưng mang vỏ bề ngoài", cô Tuyền nhấn mạnh.
Trong khi đó, thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên môn Văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 cho biết, bản thân thầy ghi nhận nỗ lực đổi mới trong việc ra đề khi lấy những dữ liệu của cuộc sống để thu hút sự quan tâm của học trò.
Tuy nhiên, việc chọn lựa ca từ của một bản rap để đưa vào đề thi, đặc biệt lại hỏi về phong cách ngôn ngữ thì e rằng không phù hợp. Hơn nữa, tác giả bài rap này cũng đang gây nhiều tranh cãi. Cho nên, người ra đề nên xem xét kỹ khi sử dụng. Bởi một văn bản được lựa chọn làm đề thi cần phải đảm bảo các yếu tố như: tính thẩm mỹ, tính giáo dục, phải có giá trị về mặt văn chương.
“Khi ra đề cần khuyến khích sự sáng tạo. Tuy nhiên, theo tôi sự sáng tạo cũng cần phải có điểm dừng, sáng tạo nếu không có sự kiểm soát dễ trở nên quá đà, cũng không tốt. Đề thi nếu lựa chọn một bài hát mang giá trị văn chương nhiều hơn, chắc người đọc sẽ không cảm giác trái chiều”, thầy Đức Anh nói.
Bản rap “Con trai cưng” K-ICM, B Ray gây sốt mạng xã hội vào cuối năm 2018 với những vị trí cao trong bảng xếp hạng thị trường âm nhạc Vpop 2018. Bản rap gây ấn tượng vì nó phê phán lối sống đua đòi, ăn chơi, không quan tâm đến cha mẹ của một bộ phận giới trẻ.