La ve, la de hay chuyện uống bia

Chai la de ngày xưa đó đã đi vào thơ ca của một số văn, thi sĩ tìm chút lãng quên đời nhọc mệt… Như bài thơ của thi sĩ Tạ Ký, một nhà giáo-nhà thơ, buổi chiều thường ngồi chợ Đũi uống la ve và làm bài thơ: Từng đêm chợ Đũi đẫm sầu/ Ly la-ve đổ gội đầu tóc xanh/ Người sơn dã lạc kinh thành/ Ngả nghiêng đáy cốc độc hành trong đêm.

Cùng là một chai nước lên men bằng hublon nhưng ngày trước dân nhậu gọi bằng la ve hay la de. Người Sài Gòn phát âm theo giọng Nam bộ thường gọi là la de. Chữ la de dễ chấp nhận hơn vì theo một số người am tường, từng làm cho hãng BGI, chữ la de xuất phát từ chữ Larue trên tờ nhãn. Chữ Larue được đọc là la ruye nhưng người bình dân nói nhanh giản lược là la de (?). Còn có người cho rằng chữ la de xuất thân từ chữ “la biere”. Không biết từ nào là chính xác nhưng hãy cứ biết là bia hôm nay chính là la de hoặc la ve ngày xưa đó. Biết la de để không như một nhà phê bình ngoài Hà Nội cho rằng Bùi Giáng dùng chữ la ve trong thơ ông là một cách tạo từ cho thơ có âm điệu chứ không có nghĩa. Thật tội nghiệp cho nhà phê bình chỉ biết có bia mà không biết chữ la de là cách gọi của người Sài Gòn xưa.

Quảng cáo la ve Con Cọp Sài Gòn xưa.

Tại sao lại có chữ Larue chi cho thêm phiền phức. Chữ Larue chính là tên của kỹ sư công nghiệp (Arts et Métiers - Paris) sĩ quan hàng hải Pháp Victor Larue, giải ngũ tại Sài Gòn - người thành lập hãng BGI chỉ với mục đích sản xuất nước đá năm 1875. Thời ấy dân nhậu nghèo thường lai rai la de Con Cọp, một loại chai to đến 66 có hình con cọp màu vàng và chữ Bière Larue ngoài vỏ chai. Còn dân sang thì vô quán, hất hàm gọi: “Cho chai 33 bà chủ” thật là oách càng cua. Chai 33 là la de 33, độ cồn nặng hơn, uống đậm đà thơm và dung tích chỉ có 33, phía ngoài vỏ chai có chữ 33 xuất khẩu. Hãy đọc một quảng cáo về la ve 33:

“Uy tín của La ve “33 Export”.Thứ la ve thịnh vượng vô song này được vang danh quốc tế, Thật vậy, được danh tiếng quốc tế đúng nghĩa vì la ve “33” là thứ la ve duy nhất trên thế giới được chế tạo trong những dãy nhà máy thiết lập trên khắp các châu Âu, Á, Phi và Mỹ. Ở Việt Nam la ve “33” hơn hẳn các thứ la ve nhập cảng, nó được ưa chuộng vì hương vị tuyệt hảo lại thêm tính chất đại bổ. Về phương diện kinh tế la ve là một món bổ dưỡng rẻ nhất, có thể bổ túc cho các thức ăn bồi dưỡng trở nên khan hiếm và mắc giá… Trong các cuộc giao tế la ve “33” cần được dùng để tăng thêm vẻ long trọng hay sự ân cần”.

Thời nay chuyện nước ta trở thành cường quốc tiêu thụ bia không phải là chuyện gì mới mẻ. Vào năm 1968, toàn miền Nam tiêu thụ mỗi ngày 800.000 chai la ve khi dân số chỉ khoảng trên 20 triệu. Biết được thóp của dân ghiền bia nên nhà cung cấp và các chú Ba cũng thừa cơ ém hàng, tăng giá. Mà tăng thì tăng, dân uống bia vẫn cứ lai rai. Tờ tuần san Kinh Tế Tài Chính - Phòng TMSG ngày 27-9-1968 tự đặt câu hỏi:

“Có điều lạ là dân càng kêu khổ vì la ve thì lại càng uống la ve và có phần nhiều hơn trước. Tại quán la ve, cái cảnh bốn người ngồi quanh bàn trên đó có từ 20 đến 30 vỏ chai là một cảnh thường thấy. La ve tăng giá, uống nhiều để làm nư ư? Nhậu để quên thời cuộc, quên vợ con hay quên chủ nợ hay chỉ để quên vật giá gia tăng?”.

Té ra thời nào cũng vậy. Dân nhậu Sài Gòn là chính hẩu hào kiệt la ve. Không trách được thời nào la ve, bia cũng lên ngôi. Ngại chi giá cả, lá gan, cái thận - để bác sĩ lo… chưa nói là tai nạn giao thông chờ đợi các anh hùng mà bia chỉ là loại nước lã có tí cồn!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới