“Lạc quan thận trọng” với kinh tế thế giới 2023

(PLO)- Năm 2022 với quá nhiều biến động tới nền kinh tế toàn cầu sắp đi qua, cùng hy vọng về một tương lai lạc quan hơn trong năm 2023.

2022 là một năm đầy thách thức với kinh tế thế giới khi phải đối mặt với hàng loạt “cơn gió ngược” do ảnh hưởng dai dẳng của đại dịch COVID-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng và làm thay đổi mô hình nhu cầu tiêu dùng toàn cầu. Xung đột Nga - Ukraine góp phần đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn. Nhà sử học Anh John Adam Tooze gọi năm 2022 là năm “đa khủng hoảng” - thuật ngữ chỉ các cú sốc kinh tế và phi kinh tế xảy ra cùng một thời điểm.

Trong bối cảnh đó, các nhà dự báo tỏ ra thận trọng về triển vọng tăng trưởng trong năm tới. Dù vậy, điều này không có nghĩa năm 2023 sẽ tiếp tục là năm u ám với kinh tế toàn cầu, khi vẫn có những điểm sáng tăng trưởng có thể hy vọng.

Người lao động tại khu phố tài chính Canary Wharf ở London (Anh) vào ngày 14-10. Ảnh: MIKE KEMP/GETTY IMAGES

Người lao động tại khu phố tài chính Canary Wharf ở London (Anh) vào ngày 14-10.

Ảnh: MIKE KEMP/GETTY IMAGES

Nhìn lại bức tranh kinh tế thế giới năm 2022

Năm 2022, đại dịch COVID-19 bước sang năm thứ ba. Thế giới về cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh và đang trở lại tình trạng “bình thường mới”, song những di chứng của đại dịch vẫn còn và tạo nhiều áp lực cho kinh tế, nhất là chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai đồng thời là “công xưởng” lớn nhất thế giới - trong gần suốt năm 2022 vẫn tiếp tục thắt chặt chính sách “zero-COVID”. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng không chỉ của nước này mà của cả thế giới, chuỗi cung ứng bị gián đoạn trên diện rộng. Cho tới tháng 11, Trung Quốc mới thực sự bắt đầu nới lỏng hạn chế COVID-19.

Trong khi thế giới nỗ lực phục hồi nền kinh tế bị tổn thương nặng vì đại dịch, xung đột Nga - Ukraine khiến tình hình căng thẳng hơn. Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine ngày 24-2, phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt lên Nga. Hệ quả là xảy ra khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, lạm phát tăng cao chưa từng thấy kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế đầu những năm 1970.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tính toán lạm phát toàn cầu năm 2022 là 8,8%, mức cao nhất kể từ năm 1996. Trên thực tế, lạm phát Mỹ đã lên mức cao nhất 9,1% trong tháng 6, khu vực Liên minh châu Âu (EU) chứng kiến mức lạm phát cao kỷ lục 10,7% trong tháng 10, Nhật vừa thông báo lạm phát nước này trong tháng 11 lên mức cao nhất trong vòng 41 năm qua.

Để đối phó với lạm phát tăng phi mã, nhiều nước chọn thắt chặt tiền tệ. Từ đầu năm tới nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bảy lần tăng lãi suất, đưa biên độ lãi suất lên mức cao nhất kể từ đầu thập niên 2000 là 4,25%-4,5%. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong năm nay cũng đã bốn lần tăng lãi suất, hiện ở mức 2,5%.

Đối mặt với những biến động trên thị trường toàn cầu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cuối tháng 11 dự báo kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng 3,1% trong năm 2022, giảm từ 5,9% của năm 2021.

290.600 tỉ USD là tổng nợ toàn cầu của các chính phủ, công ty và hộ gia đình trên toàn cầu tính đến cuối tháng 10-2022, tăng 28% so với mức 226.000 tỉ USD vào năm 2020, theo tính toán của Viện Tài chính Quốc tế (IIF).

Viễn cảnh kinh tế thế giới năm 2023

Các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ chậm lại trong năm tới do lạm phát dù có giảm nhưng vẫn kéo dài. Động lực thúc đẩy kinh tế từ việc nới lỏng hạn chế COVID-19 sẽ giảm đi ở các nền kinh tế lớn, ngoại trừ Trung Quốc. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát.

IMF dự báo lạm phát toàn cầu đến cuối năm 2023 sẽ giảm xuống 4,7%, bằng nửa mức hiện tại. Mục tiêu IMF kỳ vọng là sẽ có một cuộc “hạ cánh mềm”, trong đó quá trình hạ nhiệt lạm phát diễn ra mà không có sự sụp đổ của thị trường nhà ở, phá sản doanh nghiệp và thất nghiệp tăng. Tuy nhiên, một kịch bản tốt nhất như vậy đã được chứng minh là khó xảy ra vì tình trạng lạm phát cao trong quá khứ, theo hãng tin Reuters.

Trong bối cảnh cuộc xung đột vẫn diễn ra ở Ukraine, ảnh hưởng tiếp tục của đại dịch COVID-19 và lạm phát cao vốn dẫn tới một trong những chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất trong thời gian gần đây, các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại vào năm 2023.

Vào tháng 10, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 từ mức 2,9% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 7 xuống còn 2,7%, đồng thời cảnh báo “điều tồi tệ vẫn chưa đến”. Đầu tháng 12, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cảnh báo tăng trưởng toàn cầu có nguy cơ giảm xuống dưới mức 2%.•

Việt Nam được ca ngợi là hình mẫu phục hồi kinh tế hậu đại dịch

Trong bài đăng trên Diễn đàn Đông Á (EAF), GS Edmund Malesky tại ĐH Duke (Mỹ) cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam (VN) có thể tự hào về thành tựu kinh tế trong năm 2022 khi VN được ca ngợi là nền kinh tế hoạt động tốt nhất ở châu Á. Theo GS Malesky, sự phục hồi của kinh tế VN phần lớn nhờ vào việc hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi các thị trường mới nổi khác đang tìm cách phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhiều nước xem VN là một hình mẫu kinh tế đáng học hỏi.

Đóng góp cho câu chuyện phục hồi thành công của kinh tế VN trong năm 2022 là đầu tư nước ngoài vào VN đạt mức ấn tượng, với tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, các biện pháp đối phó với đại dịch hiệu quả, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng đã giúp VN thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm