Lại nói chuyện “chiêu hiền đãi sĩ”

Những phát ngôn long trọng, những hứa hẹn tốt đẹp, những bảo đảm chắc chắn đã được nhiều cấp nói ra để nhằm “trải thảm đỏ” mời các người tài có học vị, bằng cấp về làm việc với địa phương mình, ngành nghề mình. Nhưng thời gian trôi, ngoảnh đi ngoảnh lại thấy chủ trương, chính sách này không mấy được hưởng ứng, không mấy phát huy tác dụng.

Mới đây, HĐND TP Hà Nội đang dự thảo nghị quyết về chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ với những người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập, công tác và lao động. Theo đó, các thủ khoa ĐH xuất sắc các ngành Hà Nội đang cần, các tiến sĩ có công trình, đề án đáp ứng nhu cầu của thủ đô, các bác sĩ nội trú, bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp II; các giáo viên, giảng viên có học sinh, sinh viên đoạt giải cao trong nước và quốc tế, các huấn luyện viên có vận động viên đoạt giải cao và các vận động viên, văn nghệ sĩ đoạt huy chương vàng hoặc giải nhất các kỳ thi chuyên nghiệp quốc gia, khu vực và thế giới; các chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân, người được trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, có sáng kiến, công trình, giải pháp mang tính đột phá được ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô sẽ được trọng dụng. Họ sẽ được tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển; được hưởng lương gấp 20 lần mức tối thiểu; được ưu tiên cử đi đào tạo sau ĐH trong nước hoặc nước ngoài; được cung cấp thông tin và hỗ trợ kinh phí nghiên cứu; được hỗ trợ phương tiện đi lại, làm việc... Đổi lại các quyền lợi được ưu tiên này, những người được đón mời về phải cam kết làm việc cho các đơn vị, cơ quan thuộc Hà Nội ít nhất là bảy năm. Nếu được HĐND TP thông qua, nghị quyết sẽ được thực thi ngay trong tháng 7-2013.

Đây là một nỗ lực mới đáng ghi nhận của TP thủ đô, nhất là khi Luật Thủ đô bắt đầu có hiệu lực. Nhưng đó vẫn chỉ mới là cái ngọn, chưa phải cái gốc. Gốc của vấn đề trọng dụng nhân tài chính là ở quan niệm về người tài, từ đó đưa đến thái độ xử sự và sử dụng họ. Mọi sự đãi ngộ vật chất dù tốt đến mấy nhưng bộ máy quan liêu hành chính cồng kềnh, tắc trách, thờ ơ qua những con người làm các công việc chức năng cố tình tìm cách cản trở những ý kiến, sáng kiến của người tài bằng các văn bản giấy tờ rối rắm, chồng chéo sẽ mau chóng dập tắt ngọn lửa nhiệt tình của người tài, làm thui chột những khát vọng cống hiến của họ. Người tài cần trước hết là một môi trường làm việc đồng đẳng và bình đẳng. Họ cần nhất được tôn trọng và quý trọng chất xám của mình, được đối xử một cách khách quan, công bằng, được phản biện để chấp thuận, được tranh luận để chứng minh, được thực nghiệm để thực hành, được nhìn nhận thực chất thay vì chỉ căn cứ vào bằng cấp.

Nói tới bằng cấp thì đó chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa đủ. Khi những tiến sĩ thực chất được mời về thủ đô làm việc bên cạnh những tiến sĩ không thực chất được đào tạo theo kiểu tràn lan, theo chương trình “tiến sĩ hóa” đội ngũ công chức thế tất sẽ có những đụng chạm xảy ra, mà ở đó để giải quyết mâu thuẫn vì lợi ích chung không thể xuê xoa về mặt khoa học và trí tuệ. Thú thực tôi không hiểu nổi vì sao lại có chuyện “tiến sĩ hóa” một trăm phần trăm đội ngũ cán bộ như vậy. Vì đạt đến trình độ đó phải là người có năng lực khoa học thực sự, trong khi đội ngũ cán bộ trong bộ máy quản lý hành chính của chính quyền mỗi người một năng lực khác nhau, họ có thể hoàn thành chức trách của mình khi am hiểu chuyên môn, có kỹ năng thực hành nghiệp vụ chứ không nhất thiết là kiếm một tấm bằng chẳng để làm gì, chỉ để là vì. Một môi trường ra đụng vào chạm tiến sĩ đủ loại đào tạo như vậy sẽ không là tốt cho việc mời gọi và trọng dụng người tài.

Nhớ lại bài học hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, những người trí thức từ Pháp về nước theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ là những kỹ sư, không là cộng sản, có khi còn chưa hiểu hết cuộc cách mạng vừa diễn ra ở nước nhà nhưng họ đã được người đứng đầu chính thể mới tin cậy, giao phó nhiều trọng trách và nhất là họ được quyền báo cáo thẳng lên vị Chủ tịch nước trong những trường hợp cấp bách, cần thiết, không phải thông qua bộ máy hành chính rất dễ nảy sinh quan liêu và vì thế họ đã có những cống hiến to lớn, xuất sắc cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước Việt Nam mới. Bài học này vẫn luôn là thời sự cho việc dùng người tài hiện nay của chúng ta.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm