Sáng 4-3, TAND tỉnh Điện Biên tiếp tục xét xử vụ án đánh bạc xảy ra trên địa bàn thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo.
Ngô Đức Hiếu (cựu cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Điện Biên) và Phạm Văn Rỵ - hai trong số nhóm bị cáo kêu oan, là những người tiếp theo được thẩm vấn.
Bị cáo Ngô Đức Hiếu tại tòa sáng 4-3.
Luật sư vắng mặt vì bị buộc rời phòng xử
Trước khi trình bày nội dung kháng cáo, cả hai đề nghị phải có người bào chữa của mình là luật sư (LS) Vũ Thị Nga, nhằm đảm bảo quyền lợi của bản thân. Bà Nga là người bị buộc rời phòng xử vào chiều qua, đến sáng nay thì vắng mặt.
Giải thích điều này, HĐXX cho biết chiều 3-3, bà Nga đã vi phạm nội quy phiên tòa, có hành vi cản trở hoạt động của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, nên buộc phải rời khỏi phòng xử. Việc buộc rời phòng xử chỉ áp dụng trong ngày hôm qua, hôm nay LS vẫn có thể tham dự bình thường, còn vắng mặt là quyền của LS.
Thẩm phán chủ tọa Nguyễn Trọng Đoàn cho biết thêm, theo giấy thông báo thì tòa triệu tập người bào chữa trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Việc vi phạm là của ngày hôm trước, hôm nay LS vẫn có mặt bình thường để thực hiện quyền bào chữa cho bị cáo.
Ông Đoàn nhấn mạnh theo Điều 351 BLTTHS, dù LS Nga vắng mặt thì HĐXX vẫn tiến hành xét xử bình thường, bởi không nhận được lý do của LS vì trở ngại khách quan hay xin ý kiến tiếp tục tham gia phiên tòa. Bị cáo có quyền trả lời hoặc không trả lời.
Ngay sau đó, các LS đã liên hệ để thông báo với LS Vũ Thị Nga về việc tiếp tục được tham gia phiên tòa. Khoảng 9 giờ 30, bà Nga có mặt tại phòng xử.
Trước khi đặt câu hỏi, bà Nga khẳng định mình không vi phạm nội quy phiên tòa trong chiều 3-3. Tuy nhiên, chủ tọa cắt ngang và nói LS có quyền khiếu nại về hành vi quyết định tố tụng của thẩm phán chủ tọa phiên tòa, việc giải quyết khiếu nại thuộc cơ quan có thẩm quyền; đề nghị LS tập trung vào phần xét hỏi.
Cựu CSGT tiếp tục kêu oan
Tại tòa, Ngô Đức Hiếu giữ nguyên kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm. Cựu cán bộ CSGT khẳng định chiều 6-2-2019, bị cáo chỉ đến nhà Lê Văn Trường chúc tết, ngồi uống nước vài phút rồi về ngay. Hiếu đặt nghi vấn về sự khách quan trong lời khai của những bị cáo khác thấy mình đánh bạc và bỏ trốn. Bản án sơ thẩm cũng không làm rõ Hiếu bỏ chạy ra sao, vào thời điểm nào, có bỏ lại đồ vật gì không…
Tương tự, bị cáo Phạm Văn Rỵ cũng một mực khai có đến nhà Trường chúc tết và xem đồ gỗ, khoảng 10 phút sau thì về chứ không tham gia đánh bạc.
Sau hai bị cáo nêu trên, một loạt cán bộ công an, điều tra viên được yêu cầu tham gia xét hỏi.
Ông Trương Xuân Hân, Trưởng Công an thị trấn Tuần Giáo, cho biết khi nhận được tin báo một số đối tượng đánh bạc ở nhà Lê Văn Trường đã cử tổ công tác xuống xác minh. Kết quả, tổ công tác bắt quả tang bảy người, khoảng nửa tháng thì báo cáo thêm có một số bỏ chạy, gồm Hiếu và Rỵ.
Ông Hân khẳng định mình là người trực tiếp kiểm đếm số tiền (có người chứng kiến), chỉ đạo việc lập biên bản niêm phong… Tuy nhiên, ngay tại tòa, ông Quàng Văn Anh, được triệu tập với tư cách người chứng kiến, lại nói chỉ ký vào biên bản chứ không hề được nhìn thấy kiểm đếm tiền.
Đặc biệt, LS hỏi ông Hân tại sao ngay thời điểm bắt quả tang, tổ công tác không báo cáo về việc có người bỏ chạy mà phải đến nửa tháng sau mới nói? Ông Hân cho rằng “các đồng chí báo cáo lại tôi lúc nào là do các đồng chí báo cáo, chứ tôi không bắt các đồng chí phải báo cáo ngay lúc đó”.
Đến lượt mình, ông Vũ Văn Tân, điều tra viên Công an huyện Tuần Giáo, tiếp tục phủ nhận lời khai của một số bị cáo cho rằng bị hướng dẫn khai; quá trình làm việc đều có kiểm sát viên, diễn ra khách quan, đúng trình tự…
LS đặt một số câu hỏi về việc tại sao hồ sơ đã bàn giao cho kiểm sát viên mà vẫn phát sinh thêm hàng chục văn bản, điện thoại của bị cáo bị tạm giữ nhưng vẫn phát sinh thời lượng gọi…? Ông Tân nói do nhầm lẫn giờ, đã có cuộc họp kiểm điểm rút kinh nghiệm và báo cáo giải trình trong hồ sơ vụ án.
Cuối giờ làm việc buổi sáng, bị án Nguyễn Trường Giang (một trong ba người không kháng cáo và đang chấp hành bản án) khai nhận tham gia đánh bạc, trong đó có bị cáo Hiếu và Rỵ.
Luật sư khiếu nại chủ tọa Sau khi bị buộc rời phòng xử án, LS Vũ Thị Nga cùng các LS khác có đơn khiếu nại hành vi tố tụng của chủ tọa phiên tòa. Trong đơn, các LS cho rằng thẩm phán Nguyễn Trọng Đoàn đã vi phạm Điều 6, Điều 7 Quy tắc đạo đức ứng xử thẩm phán; cản trở hành nghề của LS khi đang thực hiện nghĩa vụ của mình... Các LS đề nghị chánh án TAND tỉnh Điện Biên giải quyết theo luật khiếu nại trong tố tụng hình sự đối với ông Đoàn, đồng thời tiếp tục đề nghị thay đổi chủ tọa vì không đảm bảo sự khách quan khi giải quyết vụ án. |