Ngày 3-3, TAND tỉnh Điện Biên mở phiên phúc thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án đánh bạc. Đáng chú ý, trong số này có Ngô Đức Hiếu, cựu cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Điện Biên. Hiếu cùng nhiều bị cáo khác có đơn kháng cáo kêu oan.
Hồ sơ vụ án có dấu hiệu tẩy xóa
Theo hồ sơ, chiều 6-2-2019, tổ công tác Công an thị trấn Tuần Giáo phát hiện một nhóm đánh bạc trái phép bằng hình thức xóc đĩa tại nhà Lê Văn Trường với số tiền hơn 11 triệu đồng. Thấy công an, một số bỏ chạy, bảy người bị bắt quả tang.
Chín ngày sau, công an khởi tố vụ án, khởi tố bảy bị can này về tội đánh bạc. Ngày 20-3, VKSND huyện Tuần Giáo ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án đến Công an tỉnh Điện Biên để thụ lý điều tra. Tiếp đó, công an lần lượt khởi tố thêm sáu bị can khác.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm của TAND huyện Tuần Giáo, ba bị cáo thay đổi lời khai theo hướng không nhận tội, bốn bị cáo cương quyết kêu oan, trong đó có Ngô Đức Hiếu.
Phần tranh luận, các LS cho rằng vụ án có nhiều vi phạm thủ tục tố tụng như: biên bản bắt người phạm tội quả tang không có người chứng kiến tham gia từ đầu khi lập biên bản, công an không kiểm đếm và niêm phong tiền, hồ sơ vụ án bị sửa chữa, có dấu hiệu tẩy xóa…
Ngoài ra, cơ quan tố tụng không chứng minh được số tiền từng bị cáo tham gia đánh bạc, nhiều bị cáo bị điều tra viên hướng dẫn khai, cán bộ điều tra giải thích trợ giúp pháp lý cho bị can lúc nửa đêm…
Các bị cáo trong phiên tòa sáng 3-3
Tuy vậy, sau hơn 10 ngày xét xử, tòa sơ thẩm nhận định VKS truy tố 13 bị cáo về tội đánh bạc là hoàn toàn đúng người, đúng tội; từ đó tuyên phạt Ngô Đức Hiếu sáu tháng tù, các bị cáo còn lại từ bốn đến 16 tháng tù.
Đáng chú ý, dù bác bỏ phần lớn lập luận của các LS nhưng tòa ghi nhận việc hồ sơ vụ án có dấu hiệu tẩy xóa, thay đổi vị trí các bút lục không phù hợp với thống kê tài liệu, một số biên bản ghi nhầm ngày/tháng hoặc tẩy xóa thời gian bắt đầu-kết thúc, điện thoại của bị cáo bị tạm giữ nhưng vẫn phát sinh thời lượng gọi…
“HĐXX sẽ kiến nghị với CQĐT các cấp bằng văn bản riêng để xem xét xử lý các cán bộ, điều tra viên vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền” - bản án nêu.
Đề nghị thay chủ tọa vì lo ngại “không khách quan”
Theo thông báo của HĐXX, phiên phúc thẩm được mở do 10 bị cáo có đơn kháng cáo (nhiều người kêu oan - PV) và VKS có kháng nghị tăng án đối với một số bị cáo. Nhiều cán bộ công an, điều tra viên của Công an thị trấn Tuần Giáo, Công an huyện Tuần Giáo và Công an tỉnh Điện Biên cũng được triệu tập.
Trong giai đoạn sơ thẩm, Ngô Đức Hiếu cùng nhiều bị cáo bị áp dụng biên pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên, đến ngày 26-2 vừa qua, TAND tỉnh Điện Biên đã ra quyết định bắt, tạm giam những người này.
Đây cũng là vấn đề làm “nóng” phiên xử phúc thẩm ngay ở phần thủ tục. LS bào chữa cho các bị cáo đồng loạt đề nghị thay đổi chủ tọa phiên tòa.
Theo các LS, Ngô Đức Hiếu cùng một số bị cáo hiện đang bị áp dụng cùng lúc hai biện pháp ngăn chặn (cấm đi khỏi nơi cư trú và tạm giam) là không phù hợp. Biện pháp tạm giam được áp dụng trong khi biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú chưa bị hủy bỏ.
LS cho rằng việc hủy bỏ này thuộc thẩm quyền của chủ tọa phiên tòa nhưng chủ tọa đã không làm, do đó họ “không tin tưởng được phán quyết trong tương lai gần của phiên tòa sẽ công minh, khách quan”.
Ngoài ra, việc thay đổi biện pháp ngăn chặn là không phù hợp vì các bị cáo không hề bỏ trốn hay gây cản trở hoạt động điều tra. Các LS cũng đề nghị triệu tập thêm rất nhiều cán bộ công an cũng như người liên quan đến vụ án.
Ngược lại, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa cho biết VKSND tỉnh Điện Biên sẽ có văn bản kiến nghị khắc phục những vi phạm trong hoạt động tố tụng của cấp phúc thẩm, nhưng lý do mà LS đưa ra chưa phải là căn cứ quan trọng để thay đổi chủ tọa.
Sau đó, HĐXX quyết định hội ý và không chấp nhận đề nghị của các LS. Đối với yêu cầu triệu tập thêm người, HĐXX cho rằng những người này đã có lời khai trong hồ sơ vụ án cũng như phiên tòa sơ thẩm, quá trình giải quyết nếu thấy cần thiết sẽ xem xét theo quy định.