Lãi suất cho vay giảm nhưng vẫn còn cao, trung bình 12,5%

(PLO)- Nhóm ngân hàng Big 4 giảm lãi suất với khoản vay hiện hữu và các ngân hàng thương mại cũng đã giảm lãi suất cho vay nhưng chủ yếu chỉ áp dụng với các khoản vay mới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Công ty chứng khoán SSI, trong tuần qua mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chào thầu đều đặn trên kênh mua kỳ hạn ở hai kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, mỗi kỳ hạn 50.000 tỉ đồng, đều với lãi suất 4,5% nhưng không có khối lượng trúng thầu. Khối lượng tín phiếu 91 ngày đáo hạn giảm xuống chỉ còn 16.900 tỉ đồng.

Kết tuần, NHNN đã bơm ròng 15.500 tỉ đồng, trong đó khối lượng lưu hành trên kênh tín phiếu giảm về mức 0, trên kênh cầm cố cũng giảm mạnh xuống chỉ còn 294 tỉ đồng.

Thanh khoản dồi dào khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm về mức 2,8%/năm cho kỳ hạn qua đêm và 3 % - 4%/năm đối với kỳ hạn dưới 1 tháng, giảm 60 – 120 điểm cơ bản so với tuần trước đó.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nhu cầu vay vốn tín dụng suy yếu là nguyên nhân chính khiến tín dụng chững lại trong 5 tháng đầu năm.

Khách hàng giao dịch tại ngân hàng

Khách hàng giao dịch tại ngân hàng

Trao đổi với báo Pháp luật TP.HCM, ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, tính đến thời điểm hiện tại tín dụng tại BIDV tăng khoảng 5%. Trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng bung khá mạnh nhưng 2 tháng gần đây mức tăng trưởng tín dụng đã chững lại.

Theo ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng lần đầu là 9,7%. Trong quý I vừa qua, tín dụng của ngân hàng giảm khoảng 0,6%.

Từ tháng 3 đến nay, tăng trưởng dư nợ của ACB tăng rất nhanh. Đến tháng 5, từ mốc thấp của đầu năm đã tăng khoảng 5,5%. Trong thời gian tới, mỗi tháng có thể tăng trưởng 2-3% là chuyện trong tầm tay của ACB.

Theo dự báo của các ngân hàng tư nhân, cầu tín dụng thấp suốt cả quý II-2023 và thậm chí trong nửa năm còn lại khó có thể tăng mạnh khi đầu ra của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn dù lãi suất cho vay đã giảm đáng kể.

Theo ước tính của Công ty chứng khoán SSI, lãi suất cho vay trung bình (không tính các khoản ưu đãi) ở thời điểm hiện tại là khoảng 12,5%/năm, giảm khoảng 220 điểm cơ bản so với cuối năm 2022 nhưng vẫn cao hơn khoảng 200 điểm cơ bản so với năm 2019.

Trên thực tế, mặc dù các ngân hàng thương mại đều đã giảm lãi suất cho vay nhằm kích thích nhu cầu đầu tư và tiêu dùng, mức lãi suất này chủ yếu chỉ áp dụng với các khoản vay mới và chỉ có số ít các ngân hàng thương mại (chủ yếu ngân hàng thương mại nhà nước) giảm lãi vay cho các khoản vay hiện hữu.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM nhấn mạnh: "Ngân hàng trung ương đã điều chỉnh giảm lãi suất (gồm cả lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi của tổ chức tín dụng). Việc điều chỉnh này tác động toàn diện cả thị trường liên ngân hàng và hoạt động huy động vốn của các tổ chức tín dụng.

Hiện nay, lãi suất huy động vốn đã và đang tiệm cận dần mức lãi suất huy động thời điểm trước đại dịch. Đây là nền tảng quan trọng để lãi suất cho vay diễn biến cùng xu hướng.

Đặc biệt, ngân hàng thương mại nhà nước và cổ phần có vốn nhà nước đã chủ động giảm lãi suất cho vay đối với tất cả các khách hàng của ngân hàng, với mức giảm từ 0,5- 1,5%.

Đó là nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng. Vấn đề là các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện tốt chủ trương chính sách của Nhà nước, của ngành; thực hiện đúng quy định và trách nhiệm để hiệu quả chính sách sẽ phát huy nhanh hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý các chính sách đều cần có thời gian để phát huy tác dụng và độ trễ của chính sách cũng như tính chất thị trường của yếu tố lãi suất."

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm