Mới đây, ngày 3-3 Ngân hàng BIDV đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới. Theo đó, lãi suất tiền gửi tăng 0,1% ở duy nhất kỳ hạn sáu tháng, giữ nguyên các kỳ hạn khác. Tuy nhiên, vào cuối tháng 11 năm ngoái, nhà băng này đã điều chỉnh lãi suất huy động tăng tới 0,5%/năm.
Lãi suất huy động tiếp tục tăng
Trước đó không lâu, ngay khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, Eximbank cũng thay đổi biểu lãi suất huy động với biên độ tăng khoảng 0,2% so với trước, tùy kỳ hạn. Trước Tết, Nam Á bank cũng thay đổi mức lãi suất tiền gửi với biên độ tương tự.
Trong khi kỳ hạn 12 tháng, lãi cuối kỳ của Eximbank đang niêm yết ở mức 6,2%/năm thì tại Nam Á bank lên tới 7,5%/năm. Riêng đối với nhóm khách hàng VIP của Nam Á bank có mức tiền gửi từ 500 tỉ đồng trở lên sẽ được hưởng lãi suất “khủng” lên tới 8,3%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng.
Tương tự SHB áp dụng mức lãi suất 8,2%/năm dành cho khách VIP có khoản tiền gửi dưới 500 tỉ đồng và kỳ hạn từ một năm trở lên.
Không chỉ cạnh tranh nhau ở kỳ hạn dài, khoản tiền lớn, nhiều ngân hàng thương mại cũng thu hút khách hàng ở kỳ hạn sáu tháng. Từ đầu năm nay, DongA Bank đã đưa ra mức lãi suất 7%/năm tăng 0,1%/năm so với trước, SHB hiện có mức lãi suất 7,2%/năm kỳ hạn sáu tháng.
Bên cạnh việc thu hút khách hàng bằng lãi suất, nhiều ngân hàng “top dưới” còn mạnh tay triển khai nhiều chương trình khuyến mãi tặng quà, cộng điểm online, cộng tuổi.
Tại nhiều ngân hàng khác như Eximbank, Maritime Bank, Sacombank,… các chương trình ưu đãi như: gửi dài ưu đãi tăng, đổi USD sang VND nhận nhiều ưu đãi, lãi suất tiết kiệm cho con yêu, tiền gửi online, Ong vàng, măng non, trung hạn đắc lợi, trung niên phúc lộc…
Cách huy động tiền gửi này cũng hấp dẫn không kém so với việc nâng lãi suất, đồng thời còn là dịp để các ngân hàng quảng bá thương hiệu và gây ấn tượng với khách hàng.
Trước động thái tăng lãi suất huy động, một số doanh nghiệp tỏ ra lo lắng khả năng lãi suất cho vay tăng.
Năm 2017, tổng tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng và phi ngân hàng là 9 triệu tỉ đồng. Trong đó, tiền gửi, bao gồm người dân, doanh nghiệp và định chế tài chính khác ở mức khoảng 7 triệu tỉ đồng.
Tác động của lãi suất đến người vay mua nhà
Theo công bố kết quả của cuộc nghiên cứu người tiêu dùng mới nhất liên quan đến sở hữu nhà ở của HSBC cho thấy hơn 1% những người đang có khoản vay mua nhà sẽ gặp khó khăn nếu lãi suất khoản vay tăng 2% và có đến 80% những người đang tìm mua nhà thấy rằng tiết kiệm đủ cho khoản thanh toán tối thiểu không phải là việc dễ dàng.
Tăng lãi suất là mối lo lắng hàng đầu của những người đang có khoản vay mua nhà trên khắp thế giới, theo một khảo sát mới trong chuỗi nghiên cứu “Hơn cả một ngôi nhà” của HSBC.
Lãi suất cũng là một trong những yếu tố chính khiến người vay mua nhà thay đổi bên cho vay. Cuộc khảo sát cho thấy gần phân nửa (44%) những người sở hữu nhà bằng vay thế chấp đã từng thay đổi bên cho vay, trong khi 61% đã khảo sát thị trường nhằm tìm kiếm một gói cho vay hấp dẫn hơn bằng cách thay đổi bên cung cấp khoản vay.
Hơn phân nửa (55%) những người tham gia khảo sát nói rằng họ thay đổi bên cho vay chủ yếu là mong có được gói cho vay tốt hơn hoặc là do khoản vay hiện tại tăng lãi suất.
24% thay đổi bên cho vay vì khoản vay hiện tại hết hạn và 22% cho biết là do họ chuyển sang nhà mới hoặc mua bất động sản mới.
Ông Richard Napier, Giám đốc toàn cầu phụ trách về vay mua nhà, Tập đoàn HSBC cho biết: “Người vay mua nhà dành trung bình gần 40% thu nhập hằng tháng để thanh toán cho khoản vay mua nhà của họ. Lẽ đó, họ cần phải cân nhắc đến khả năng lãi suất sẽ gia tăng khi lên ngân sách chi tiêu trong gia đình và nên tìm hiểu thị trường để có được mức lãi suất tốt nhất có thể.”
Ông Sabbir Ahmed - Giám đốc toàn quốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản, HSBC Việt Nam, đánh giá: “Sở hữu nhà ở tiếp tục là một mục tiêu tài chính hàng đầu của nhiều người trên khắp thế giới và vay mua nhà là một trong những giải pháp giúp hiện thực hóa mục tiêu này.
“Tuy nhiên, cuộc khảo sát cho thấy cả người mua nhà tiềm năng lẫn người đang có khoản vay mua nhà đều có thể sẽ chịu tác động đáng kể của việc tăng lãi suất. Vì thế, điều quan trọng là những người đang cân nhắc vay mua nhà nên hiểu rõ về sản phẩm này và đặc biệt là những yếu tố tác động chính đến trải nghiệm vay mua nhà” - ông nói.
Mức lãi suất cao nhất của BIDV là 6,9%/năm đối với các kỳ hạn tiền gửi từ 12 tháng, 18 tháng, 24 và 36 tháng. Vietinbank hiện có mức lãi suất tiền gửi là 6,8%-6,9%/năm đối với khách hàng gửi tiền từ trên 12 tháng và dưới 36 tháng. Những ai gửi trên 36 tháng sẽ được hưởng lãi suất 7%/năm. Agribank áp dụng mức lãi suất 6,6%/năm đối với khách hàng gửi kỳ hạn 12 tháng, trên mức này sẽ được cộng thêm 0,2%/năm. |