Hàng loạt ngân hàng như Eximbank, ACB, BIDV, SeABank, VIB… đã thông báo thay đổi cách tính lãi suất đối với người gửi tiết kiệm và người vay tiền. Theo đó, cách tính lãi mới là 365 ngày thay vì 360 ngày như trước đây.
Vì sao thay đổi cách tính lãi suất?
Đại diện các ngân hàng giải thích sự thay đổi trên là nhằm tuân thủ quy định tại Thông tư 14/2017 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.
Còn theo lý giải của NHNN, việc áp dụng cách tính lãi suất mới là để phù hợp hơn với quy định của Luật Dân sự sửa đổi, bổ sung, đồng thời là cơ sở để các ngân hàng thương mại thống nhất cách tính lãi, thay vì mỗi ngân hàng tính một kiểu.
Bởi thực tế trong thời gian qua, có ngân hàng thực hiện thu lãi theo ngày thực tế 365 hoặc 366 ngày nhưng khi quy đổi lãi năm thỏa thuận trên hợp đồng về lãi suất ngày thì tính trên số ngày quy ước là 360 ngày.
“Điều này dẫn đến vướng mắc khó giải quyết, thậm chí khiếu nại kéo dài giữa khách hàng và ngân hàng về việc áp dụng số ngày trong một năm để tính, thu, trả lãi” - NHNN cho giải thích thêm.
Đánh giá về quyết định thay đổi cách tính lãi suất, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng việc chuẩn mực hóa cách tính lãi suất là cần thiết. Sự thay đổi này cũng tạo thuận lợi khi xử lý những vướng mắc, tranh chấp về lãi suất giữa các nhà băng với khách hàng.
Các khoản tiền gửi có kỳ hạn được mở mới từ ngày 1-1-2018 trở đi sẽ được áp dụng phương thức tính lãi mới. Ảnh: TL
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, phân tích: Trước đây khi chưa có Thông tư 14/2017, để có lợi nhất cho ngân hàng, rất nhiều nhà băng khi tính lãi suất huy động thì chọn 365 ngày nhưng khi tính lãi suất cho vay thì lại chọn 360 ngày.
Với cách tính không thống nhất như vậy gây bất lợi cho khách hàng, bởi nhiều trường hợp họ vừa là khách hàng gửi tiền và có thể vừa là người đi vay. Đồng thời nhiều khách hàng cũng không thể hiểu được cách tính nào có lợi cho mình.
“Do đó, việc thống nhất cách tính lãi suất trên cơ sở 365 ngày là phù hợp, tạo sự minh bạch đối với khách hàng. Thực tế cho thấy ở các nước trên thế giới như Mỹ đã áp dụng cách tính lãi suất trên cơ sở 365 ngày cách đây nhiều năm” - TS Hiếu dẫn chứng.
Người gửi thiệt, người vay lợi
Nhiều ý kiến nhận định với cách tính lãi mới, người gửi tiền sẽ nhận lãi ít hơn so với cách tính trước đây, trong khi người vay tiền lại có lợi hơn. TS Nguyễn Trí Hiếu lấy ví dụ: Trước đây các nhà băng áp dụng công thức tính lãi suất tiết kiệm như sau: Tiền Lãi = Số tiền gửi x Lãi suất (%/năm) x Số ngày gửi thực/360. Còn hiện tại áp dụng số ngày trong năm là 365 thì người gửi tiền bị thiệt thêm năm ngày. Có nghĩa là số lãi nhận được hằng năm giảm đi một chút.
Đồng quan điểm, TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính ngân hàng, dẫn chứng một khách hàng gửi tiết kiệm 220 triệu đồng, kỳ hạn 13 tháng, lãi suất 8,8%/năm, gửi ngày 7-7-2017, đáo hạn ngày 7-8-2018. Lãi suất sẽ được tính như sau: Tiền lãi = 220.000.000 đồng x (365 + 31) x 0,088/360 = 21.296.000 đồng.
Với cách tính lãi suất mới áp dụng, một năm được xác định là 365 ngày, số tiền lãi thực lãnh của khách hàng sẽ chỉ còn 21.004.273 đồng. Điều này cũng có nghĩa số tiền lãi thực lĩnh của khách hàng sẽ giảm 292.000 đồng và người gửi tiền bị thiệt mất năm ngày tính lãi.
Tạo sự cạnh tranh bình đẳng Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ phân tích việc áp dụng cách tính lãi suất quy đổi theo năm như Thông tư 14/2017 giúp tạo nên sự công bằng và bình đẳng trong cạnh tranh huy động vốn giữa các ngân hàng thương mại. Bởi hiện nay, mỗi nhà băng áp dụng một cách tính lãi suất khác nhau dựa trên cơ sở quy ước một năm = 12 tháng và = 360 ngày nên khách hàng khó khăn trong vấn đề hiểu được cách tính nào có lợi cho họ. “Còn phần lợi mà các nhà băng nhận về từ cách tính lãi suất mới là không đáng kể, do lãi suất tiền gửi thấp hơn lãi suất cho vay, biên lợi nhuận hiện ở mức khá thấp” - vị tổng giám đốc nhà băng trên nói. |
Ngược lại, tiền lãi vay sẽ giảm đi mức 0,13% trên dư nợ. Nghĩa là lãi suất của người vay tiền sẽ giảm khoảng 0,13%, tức người vay được hưởng lợi.
Nói thêm về vấn đề này, tổng giám đốc một công ty bất động sản cho biết: Với khoản vay vài ba tỉ đồng của khách hàng cá nhân thì mức giảm lãi suất theo cách tính mới (365 ngày) là không nhiều. Nhưng với những khách hàng là những doanh nghiệp hoặc các đại gia vay ngân hàng hàng chục, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng thì cách tính mới giúp họ tiết kiệm được cả tỉ đồng.
Không chỉ người vay có lợi mà với cách tính lãi mới, các ngân hàng có dư nợ tín dụng lớn cũng được nhờ. Ví dụ nếu biên lợi nhuận 2%/năm, nhà băng lợi được 2%/360 x 5, tức được 0,0002%. Như vậy với những nhà băng có dư nợ tín dụng lớn đến hàng trăm ngàn tỉ đồng thì khoản lợi nhuận thu về nhờ cách tính lãi suất kiểu mới là tương đối lớn.
Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng ngân hàng là đơn vị trung gian huy động tiền từ xã hội để cho vay, mà số tiền cho vay thường nhỏ hơn số tiền huy động. Khi thay đổi thời gian năm từ 360 lên 365 ngày, phần lãi sẽ được chia nhỏ ra và người gửi tiền không có lợi như trước đây, người gửi tiền buồn, người vay vui. Riêng ngân hàng cũng không hưởng lợi nhiều từ việc thay đổi cách tính lãi mới.
Nhiều phương án với thời hạn gửi tiền Thông tư 14/2017 cũng quy định tổ chức tín dụng được thỏa thuận với khách hàng xác định thời hạn tính lãi theo một trong hai phương pháp. Theo đó, bỏ ngày đầu, tính ngày cuối của thời hạn tính lãi (theo quy định tại Bộ luật Dân sự); hoặc phương pháp tính ngày đầu, bỏ ngày cuối của thời hạn tính lãi. Với các khoản tiền gửi có kỳ hạn trước ngày 1-1-2018, các ngân hàng vẫn tiếp tục thực hiện nguyên tắc và công thức tính lãi suất đã ký kết và thỏa thuận cũ tại ngày gửi tiền cho đến khi hết hạn. Tiền gửi không kỳ hạn sẽ được áp dụng ngay theo quy định mới. Đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn được mở mới hoặc tái tục từ ngày 1-1-2018 trở đi sẽ được áp dụng phương thức tính lãi mới. |