Lãi suất tiền gửi lên mốc mới, có nơi tăng thêm 2,5%

(PLO)- Sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng trần lãi suất tiền gửi từ một tháng đến dưới sáu tháng lên 6%/năm, nhiều ngân hàng chính thức nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động mới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đầu giờ chiều 26-10, biểu lãi suất tiền gửi tại VPBank tiếp tục được cập nhật, với biên độ tăng từ 1,3 – 1,6% tùy từng kỳ hạn và hạn mức gửi tiền.

Cụ thể, khách hàng gửi tiền dưới 300 triệu kỳ hạn 6 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất là 7,4%/năm, tăng hơn tới 1,6%/năm so với đầu tháng 10. Với khách hàng gửi trên 50 tỉ đồng trở lên sẽ có mức lãi suất là 7,9%/năm, tăng 1,3%/năm so với trước. Đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng được VPBank niêm yết từ 5,6 – 6%/năm tùy theo số tiền gửi khác nhau.

Khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng sẽ được nhận lãi là 7,5%/năm cho số tiền dưới 300 triệu, còn nếu gửi trên 50 tỉ đồng sẽ được nhận mức lãi 8,2%/năm.

Cũng trong ngày hôm nay, Techcombank thông báo biểu lãi suất huy động mới, trong đó, các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng được nhà băng này niêm yết ở mức 5,9%/năm, tăng từ 2,35 – 2,55%/năm so với biểu lãi suất trước.

Đối với kỳ hạn 6 tháng cho đến 11 tháng hiện đang ở mức 6,9%/năm, tăng từ 1,35% - 1,55%/năm. Từ 12 đến 36 tháng, Techcombank đưa ra mức lãi suất chung là 7,2%/năm, tăng từ 0,95%-1,45%/năm so với cách đây ít lâu.

Tương tự, Sacombank cũng tăng mạnh lãi suất tiền gửi ở tất cả các kỳ hạn từ ngày 25-10 với biên độ tăng từ 0,6 – 1,6% tùy từng kỳ hạn. Hiện tại, lãi suất kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng được Sacombank công bố ở mức 5,6 – 6%/năm, tăng 1,6%/năm so với đầu tháng 10.

Đối với kỳ hạn 12 tháng, khách hàng sẽ được nhận mức lãi suất là 7,30%/năm tăng 0,8%/năm so với trước. Tương tự, các kỳ hạn 24 và 36 tháng cùng được hưởng lãi suất là 7.5%/năm, tăng 0,6%/năm so với mức lãi suất công bố 2 tuần trước.

NHNN tăng lãi suất điều hành hai lần liên tiếp trong vòng một tháng qua. Với việc tăng một loạt lãi suất điều hành đã và đang gây áp lực lên tỉ giá và lãi suất. Hiện tiền đồng đã mất giá khoảng 8,5% so với đầu năm và nhiều ngân hàng cũng đã mạnh tay tăng lãi suất huy động và cho vay.

Trao đối với báo Pháp luật TP.HCM, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: Ba mục đích chính của lần tăng lãi suất lần này là để: Thứ nhất nhằm mục đích kiểm soát kỳ vọng lạm phát (khi lãi suất tăng, giảm tổng cầu, giảm áp lực giá cả, và nhờ vậy giảm áp lực lên lạm phát); thứ hai, là để lường đón các đợt tăng lãi suất tiếp theo của FED; thứ ba là để giảm áp lực tỉ giá vì khi lãi suất đồng nội tệ tăng chính là tăng hấp dẫn của đồng nội tệ, thu hẹp chênh lệch lãi suất USD/VND, qua đó, giảm áp lực tỉ giá.

Khi lãi suất tăng, thì người gửi tiền hoặc là người cho vay sẽ được lợi, còn bên đi vay sẽ phải trả lãi suất cao hơn (bao gồm cả nợ đang phải trả và nợ mới). Tất nhiên, tăng lãi suất là khó khăn đối với doanh nghiệp rồi, vì doanh nghiêp vẫn đi vay là chủ yếu.

"Đây là việc làm rất khó khăn của các NHTW, trong đó có NHNN. Vì thế, NHTW hiện nay phải cân đối, tính toán đa chiều, tổng hòa các mặt để đưa ra quyết định tăng hay giảm lãi suất, rồi mức độ và tần suất như thế nào" - TS Lực nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm