Chiều ngày 5-9, Sacombank thông báo ngân hàng này vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn với lãi suất lên đến 7,1%/năm.
Ngân hàng đua nhau hút tiền gửi
Cụ thể, Sacombank phát hành 5.000 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi dài hạn có ghi danh với lãi suất hấp dẫn dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức. Như vậy, người gửi tiền có thêm một kênh đầu tư dài hạn an toàn, giúp tối ưu dòng tiền nhàn rỗi với tỉ suất sinh lời cao hơn so với gửi tiết kiệm truyền thống.
Lãi suất năm đầu tiên của chứng chỉ tiền gửi là 7,1%/năm, các năm sau được điều chỉnh linh hoạt theo lãi suất thị trường. Được biết, chứng chỉ tiền gửi do Sacombank phát hành có mệnh giá chỉ từ 1 triệu đồng, kỳ hạn 7 năm (tương đương 84 tháng) và không tự động tái tục. Tiền gốc được thanh toán một lần khi đến hạn và tiền lãi được trả theo định kỳ mỗi năm.
Với chứng chỉ tiền gửi, khách hàng không chỉ được hưởng lãi suất cao hơn mà còn được chuyển nhượng, đồng thời có thể cầm cố để vay vốn khi có nhu cầu với lãi suất vay ưu đãi.
Hiện nay mặt bằng lãi suất tiết kiệm vẫn đang duy trì đà tăng nhưng mức lãi suất cao nhất cũng chỉ có 6%/năm với điều kiện khách hàng phải gửi từ 18-36 tháng. Đối với kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất cao nhất cũng chỉ có 5,8%/năm DongA Bank, và thấp nhất là 4,6%/năm tại Vietcombank và 4,7%/năm đối với 3 ngân hàng lớn còn lại gồm BIDV, Vietinbank và Agribank.
Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), từ đầu tháng 8 vừa qua đã có 15 ngân hàng tăng lãi suất huy động (Agribank, Eximbank, HDBank, Sacombank, Saigonbank, TPBank, CB, VIB, DongA Bank, VPBank, Techcombank, VietBank, SHB, PVCombank và Nam A Bank). Trong đó Sacombank, VietBank, DongA Bank, và Techcombank là ngân hàng đã có hai lần tăng lãi suất trong thời gian này.
Lãi suất cho vay chưa thấy "nóng bỏng tay"
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA cho biết, lãi suất tiền gửi biến động tăng chủ yếu tại các kỳ hạn ngắn dưới 13 tháng và có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng. Ngay cả trong khi các ngân hàng thương mại duy trì xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm, vẫn xuất hiện một số ngân hàng điều chỉnh giảm từ 0,1% - 0,25% ở một số kỳ hạn.
Cụ thể, ngân hàng An Bình vừa điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm ở một số kỳ hạn với biên độ giảm từ 0,1 - 0,4%/năm trên kênh online. Chẳng hạn, tại lãi suất kỳ hạn 3 tháng từ 4%/năm trong tháng trước nay chỉ còn 3,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm 0,4%/năm, xuống còn 5,6%/năm...
Một số ngân hàng đưa ra mức lãi suất khủng, lên đến 9,5%/năm nhưng đi kèm với nó là điều kiện rất kén khách hàng. Đơn cử, PVCombank đưa ra mức lãi suất lên đến 9,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng nhưng chỉ dành cho khách hàng nào gửi ít nhất cũng phải là 2.000 tỉ đồng.
Hay như HDBank cũng sẵn sàng trả lãi suất lên đến 8,1%/năm cho kỳ hạn 12 tháng nhưng phải duy trì số dư tối thiểu 500 tỉ đồng. Còn tại DongABank, mức lãi suất cao nhất là 7,5%/năm chỉ dành cho khách hàng gửi tiền từ 200 tỉ đồng trở lên với kỳ hạn 13 tháng và nhận lãi cuối kỳ…
Theo một số chuyên gia kinh tế, xu hướng lãi suất tiền gửi tăng là điều dễ hiểu, bởi sang quý 2 năm nay, tăng trưởng tín dụng đã khởi sắc nhờ kinh tế phục hồi, nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất cũng như tiêu dùng tăng lên. Bên cạnh đó, ngành bất động sản cũng hồi phục trở lại, qua đó góp phần thúc đẩy nhu cầu tín dụng.
Mặc dù lãi suất tiết kiệm tăng nhưng lãi suất cho vay chưa có dấu hiệu “nóng”. Bởi theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố vào ngày 21-8 vừa qua, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ bằng VND dao động từ 6,9 – 9,3%/năm.
Riêng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền VND đối với lĩnh vực ưu tiên vẫn giữ ổn định quanh ngưỡng 3,6%/năm. Đối với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng USD đang phổ biến ở mức 4,1 – 5%/năm, cho vay trung dài hạn bằng USD là 6,3 – 7,4%/năm.