Thêm hàng loạt ngân hàng nâng lãi suất tiền gửi

(PLO)- Từ đầu tháng 8-2024 đến nay có ít nhất 7 ngân hàng nâng lãi suất tiền gửi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (5-8), TPBank trở thành ngân hàng gần đây nhất điều chỉnh lãi suất tiền gửi. Cụ thể mức tăng thêm 0,2%/năm với các kỳ hạn từ 1-6 tháng.

Ít nhất 7 ngân hàng nâng lãi suất huy động

Lãi suất huy động trực tuyến mới nhất do TPBank công bố gồm: Kỳ hạn 1 tháng 3,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng 3,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng 4,7%/năm. Lãi suất các kỳ hạn còn lại được TPBank giữ nguyên, kỳ hạn 12 tháng 5,2%/năm, kỳ hạn 18 tháng 5,4%/năm, và kỳ hạn 24-36 tháng 5,7%/năm.

lãi suất tiền gửi ngân hàng.jpg
Hàng loạt ngân hàng nâng lãi suất tiền gửi từ tháng 8. Ảnh: ND

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) tăng lãi suất huy động vào đầu tuần mới.

Dù vậy, Eximbank không điều chỉnh lãi suất với tất cả các kỳ hạn, Eximbank chỉ điều chỉnh lãi suất tại duy nhất kỳ hạn tiền gửi 12 tháng. Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến dành cho khách hàng cá nhân tăng 0,4%/năm lên 5,4%/năm (lĩnh lãi cuối kỳ) và lên 5,2%/năm đối với khách hàng lĩnh lãi hàng tháng.

Lãi suất huy động các kỳ hạn còn lại được Eximbank giữ nguyên.

Trần lãi suất huy động tiền gửi của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) cũng được điều chỉnh tăng thêm 0,3%/năm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng hiện đang niêm yết ở mức 3,3%. Lãi suất của khoản tiết kiệm 6 tháng hiện là 4,75%, cao hơn lãi suất kỳ hạn 1 năm tại các ngân hàng thương mại quốc doanh.

Với khoản gửi tiết kiệm 1 năm, với hình thức trả lãi cuối kỳ, lãi suất huy động thời hạn 12 tháng hiện ở mức 5,8% và nếu trả lãi theo tháng, lãi suất huy động là 5,65%.

Saigonbank cũng chính thức gia nhập làn sóng ngân hàng nâng lãi suất huy động tiết kiệm lên trên 6%/năm. Lãi suất huy động thời hạn 24 và 36 tháng lần lượt được điều chỉnh lên mức 6,00% và 6,1%.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đã điều chỉnh nâng lãi suất huy động tiền gửi, mức tăng cao nhất lên đến 0,4%/năm. Cụ thể với hình thức lĩnh lãi cuối kỳ, lãi suất huy động tại Sacombank kỳ hạn 1 tháng tăng 0,2%/năm lên 3,3%/năm; kỳ hạn 2 tháng tăng 0,3%/năm lên 3,5%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng tăng 0,1%/năm lên 3,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6-7 tháng được Sacombank điều chỉnh tăng thêm tới 0,4%/năm, lên mức 4,9%/năm.

Biểu lãi suất gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) ghi nhận mức lãi suất trong đầu tháng 8-2024 ở mức 6,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng đối với hình thức gửi tiền tiết kiệm trực tuyến.

Đối với tiền gửi tiết kiệm tại quầy, SHB niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng cao hơn tháng trước 0,2 điểm phần trăm, qua đó tăng lãi suất lên 3,3%/năm. Với kỳ hạn 3 - 5 tháng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở mức 3,4%/năm, tăng 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước. Các khoản tiền gửi tiết kiệm từ 2 tỷ đồng trở lên sẽ được áp dụng mức lãi suất cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với hạn mức dưới 2 tỷ đồng, tương đương với mức 3,4 – 5,9%/năm.

Xu thế nâng lãi suất huy động trong các tháng cuối năm

Gần 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động trong tháng 7, đưa mức cao nhất hệ thống lên 6,2%/năm. Xu hướng tăng lãi suất đã tiếp tục diễn ra trong tháng 8 và được dự báo sẽ tiếp diễn trong những tháng cuối năm.

Theo phân tích của các chuyên gia, việc lãi suất huy động tiết kiệm tăng mạnh trở lại có nguyên nhân từ việc tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm trong những tháng đầu năm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn.

Trong khi đó, dù dự báo lãi suất huy động sẽ chịu áp lực tăng trong nửa cuối năm, song giới phân tích cho rằng mức tăng không lớn khi tín dụng còn yếu.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) và ngân hàng UOB… cho rằng lãi suất huy động còn xu hướng tăng từ nay đến cuối năm 2024, với mức tăng 0,5-1%. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,2 - 5,5% vào cuối năm 2024.

MBS nhận định lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngành ngân hàng nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Trong nhận định mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng lãi suất huy động có thể phục hồi về thời điểm đầu năm nay trong các tháng tới, tương đương với mức tăng bình quân 0,5 - 1%/năm từ vùng đáy. Diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ tuỳ thuộc vào khả năng kiểm soát đà mất giá của tiền đồng và diễn biến chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Dù lãi suất tăng đáng kể từ đầu quý II-2024 đến nay, song vẫn đang thấp hơn giai đoạn trước Covid-19. Không ít ý kiến chuyên gia cho rằng, đà tăng lãi suất sẽ dần chững lại trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn yếu.

Mức tăng lãi suất như hiện tại là hợp lý để tìm lại điểm cân bằng các kênh đầu tư. Trong thời gian trước, lãi suất đã xuống mức quá thấp khiến dòng tiền rời bỏ ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ tạo bong bóng tài sản, gây hại cho nền kinh tế. Các chuyên gia cũng cho rằng, đà tăng lãi suất sẽ chậm lại thời gian tới.

Mới đây, ông Lê Xuân Nghĩa bày tỏ lo lắng với truyền thông về việc lãi suất huy động đang có xu hướng tăng, đi ngược với mong muốn của Chính phủ là lãi suất giảm xuống nữa để hỗ trợ doanh nghiệp. Lãi suất liên ngân hàng quý I-2024 chỉ 0,3% thì quý II-2024 vọt lên 4%.

“Điều này cho thấy, thanh khoản đang trở nên có vấn đề”, ông Nghĩa băn khoăn.

PGS-TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học (Trường đại học Kinh tế quốc dân) nhận định, nhà điều hành không để xảy ra cú sốc thanh khoản, các tín hiệu trên thị trường không cho thấy điều này. Hệ thống ngân hàng sẵn sàng cấp vốn cho doanh nghiệp và người dân, miễn là doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn. Cũng theo ông Phạm Thế Anh, lãi suất huy động không còn nhiều dư địa tăng trong những tháng còn lại của năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm