Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, tính đến 24-6 vừa qua, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt 4,45%. Như vậy, từ đầu năm đến nay, đã có thêm 603.000 tỉ đồng được bơm thêm ra nền kinh tế.
Mặc dù mức tăng trưởng tín dụng này đã cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra là tăng trưởng tín dụng đạt 5 - 6% vào cuối quý II năm nay. Điều này có nghĩa là tiền trong các nhà băng vẫn rất dồi dào.
Dư tiền nhưng vẫn tăng lãi suất tiết kiệm
Trong sáu tháng đầu năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp. Qua đó điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Thực tế trong khoảng 3 tháng trở lại đây, bốn ngân hàng thương mại nhà nước vẫn giữ nguyên lãi suất tiết kiệm nhưng nhiều ngân hàng thương mại tư nhân đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi.
Theo thống kê của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA), tính riêng trong tháng 6 (từ 3-6 đến 28-6-2024), có đến 24/36 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn, tại quầy và online. Tuy nhiên, chỉ có 2 ngân hàng giảm lãi suất ở một số kỳ hạn.
Trong đó, An Bình là ngân hàng tăng mạnh nhất với mức điều chỉnh tăng đến 1,6%/năm cho kỳ hạn tiền gửi từ 24 tháng trở lên, lên mức 5,5%/năm; tăng 0,6% kỳ hạn 3 tháng, lên 3,4%/năm; tăng 0,5% kỳ hạn 9 tháng, lên 4,2%/năm.
Tại PGBank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng đang được niêm yết ở mức 5%/năm, tăng thêm 0,8%/năm so với tháng 6. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng là 5,5%/năm, cao hơn 0,5%/năm so với cách đây một tháng.
Ngoài ra, VNBA cũng ghi nhận nhiều ngân hàng khác cũng tích cực tăng lãi suất tiết kiệm như MSB tăng 0,9%/năm kỳ hạn 12-36 tháng tại quầy lên mức 5,1%/năm.
Gánh nặng lãi suất cho vay
Chia sẻ với PLO, anh Nguyễn Huy (Tân Bình, TP.HCM) cho biết đang có khoản vay 2 tỉ tại một ngân hàng có 100% vốn nước ngoài. Trong thời gian được ưu đãi, lãi suất cho vay là 7,9%/năm, đến nay hết ưu đãi phải chịu lãi suất cho vay thả nổi là 9,5%/năm, và cứ 3 tháng sẽ được cập nhật một lần. Trong khi đó, lãi suất cho vay mới cũng tại ngân hàng này hiện chỉ có 8%/năm và được duy trì cố định trong 3 năm.
Do đó, anh đang thu xếp nguồn tiền để tất toán khoản vay cũ kèm theo lãi phạt trả trước hạn 1% trên dư nợ, sau đó tiếp tục làm hồ sơ để vay mới.
"Với cách làm này tôi mất thời gian, tốn thêm một ít chi phí... để làm hồ sơ vay mới nhưng bù lại sẽ giảm được áp lực gánh nặng lãi vay khi mà lãi suất cho vay sẽ giữ cố định trong 3 năm tới chỉ ở mức 8%/năm", anh Huy tính toán.
Nhưng không phải ai cũng may mắn như anh Huy khi đủ điều kiện được vay ở một ngân hàng nước ngoài. Bởi lãi suất cho vay thả nổi sau thời gian ưu đãi tại một số ngân hàng thương mại thường bật lên rất cao.
Chị T.A (quận 7, TP.HCM) chia sẻ: Gia đình tôi đang có khoản vay mua xe ô-tô, trong thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay là 12%/năm trong năm đầu tiên, giờ đây lãi suất thả nổi nhảy một phát lên 15,2%/năm.
"Phải gánh lãi suất 12%/năm đã rất mệt mỏi rồi, giờ đây còn bật lên tới 15,2%/năm, tôi sợ sẽ không gánh nổi lãi vay. Trong khi đó, nhân viên ngân hàng còn nói, nhiều khả năng lãi suất trong 3-6 tháng tới sẽ còn tiếp tục tăng vì hiện lãi suất huy động cũng đã tăng trở lại rồi", chị T.A thở dài.
Khảo sát thực tế chúng tôi nhận thấy, nếu so sánh giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, mới thấy lãi suất cho vay sau ưu đãi vô cùng khó “nuốt”.
Bởi lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại đang loanh quanh ngưỡng 5 – 5,5%/năm, nhưng lãi suất cho vay mua nhà, sửa chữa nhà, ô tô, tiêu dùng sau ưu đãi lên đến 11%/năm, 12%/năm, thậm chí có ngân hàng đẩy lãi suất cho vay ôtô lên đến 15%/năm. Tức là lãi suất cho vay cao gấp 2-3 lần so với lãi suất huy động.
Tạo cớ hoàn hảo để tăng lãi suất cho vay?
Ông Dương Anh Vũ, chuyên gia kinh tế nhận định, so với 3 tháng gần đây, mặt bằng lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng trở lại sau một thời gian liên tục giảm.
Khi lãi suất huy động tăng, kéo theo lãi suất cho vay cũng buộc phải tăng theo. Tuy nhiên, ông cho rằng các ngân hàng vẫn có thể đưa giữ ổn định lãi suất cho vay ở mức phù hợp nhất có thể nếu tối ưu được chi phí kinh doanh.
Trong khi đó, nói về nỗi lo tăng lãi suất cho vay trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank nêu quan điểm: Ngân hàng nhà nước đã bán USD nhằm can thiệp tỉ giá, tức là đã hút bớt một lượng tiền đồng trong hệ thống. Song song với đó, NHNN vẫn tiếp tục hút ròng tiền đồng thông qua việc phát hành tín phiếu. Điều đó cho thấy thanh khoản trên hệ thống không hề có dấu hiệu căng thẳng.
Bên cạnh đó, cầu tín dụng vẫn rất yếu, nên không có lý do gì để các ngân hàng thương mại phải nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động nhằm hút tiền gửi nhàn rỗi của người dân.
Dù vậy, thật lạ lùng là vẫn có không ít nhà băng liên tục cập nhật biểu lãi suất tiết kiệm, theo chiều hướng đi lên. Thậm chí có ngân hàng thay đổi biểu lãi suất đến cả chục lần trong một tháng.
"Tôi cho rằng, việc liên tục cập nhật biểu lãi suất tiết kiệm như vậy chủ yếu nhằm đánh động vào “tâm lý” của người tiêu dùng, khiến họ nghĩ rằng lãi suất tiết kiệm đang tăng và lãi suất cho vay buộc phải tăng theo.
Thế nhưng, quan sát cách thức điều chỉnh tăng lãi suất của nhiều ngân hàng, chúng ta thấy rằng họ chỉ tăng mạnh đối với các kỳ hạn có ít người gửi như 4-5 tháng, 7-8-9-10-11 tháng, nhưng lại tăng rất nhẹ nhàng với các kỳ hạn chủ chốt (6 tháng và 12 tháng). Khi mà lãi suất kỳ hạn 12 tháng không tăng mạnh, thì lãi suất đầu ra cũng khó có cơ hội biến động", lãnh đạo Agribank nêu quan điểm.
Cũng theo bà Phượng, với việc tạo “tâm lý” cho người dân nghĩ rằng làn sóng tăng lãi suất huy động đã thực sự ập đến cũng là tạo nên một cái “cớ" vô cùng hoàn hảo để tăng lãi suất cho vay. Nhất là trong bối cảnh, tín dụng tăng rất chậm, nợ xấu gia tăng, lương tăng... thì có lẽ con đường “nới” lợi nhuận nhanh nhất chính là tăng lãi suất cho vay"!
"Còn đối với Agribank, chúng tôi vẫn giữ nguyên biểu lãi suất huy động và không có ý định tăng lãi suất tiết kiệm trong thời gian tới. Điều này chính là để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp", bà Phượng nhấn mạnh.
Lý do lãi suất vẫn cao
Trong báo cáo mới phát hành, Công ty chứng khoán SSI nhận định, lãi suất huy động trên thị trường đã bật tăng 0,5-1% ở hầu hết ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất kỳ hạn 12 tháng cho khách hàng tổ chức vẫn đang ở mức khá thấp. Theo đó, ghi nhận ở mức 4,5% tại 4 ngân hàng hàng thương mại cổ phần nhà nước và 5-5,5% cho các ngân hàng thương mại cổ phần lớn khác.
Với số liệu tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm vượt kỳ vọng, khả năng chính sách điều hành có thể tập trung hơn vào các yếu tố mang tính ổn định kinh tế vĩ mô như lạm phát và tỉ giá, trong khi lãi suất có thể tiếp tục tăng nhẹ.
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, khi lãi suất ở Mỹ cao, giá trị đồng đô la Mỹ tăng, khiến giá trị tiền đồng giảm, làm tăng tỉ giá và gây bất lợi cho nền kinh tế.
Với bất lợi này, việc Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ muốn giảm lãi suất là rất khó. Đặc biệt khi Chính phủ muốn giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.
Để giảm lãi suất cho vay, lãi suất huy động cũng phải giảm, và rủi ro kinh tế phải giảm mới có thể thực hiện được. Do đó, việc giảm lãi suất ở Việt Nam sẽ rất khó khăn khi Mỹ vẫn duy trì lãi suất cao.
Ngân hàng Nhà nước đang đứng trước lựa chọn giữa việc bình ổn tỉ giá và tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nếu muốn bình ổn tỉ giá phải tăng lãi suất, nhưng điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và nguồn cung tiền. Ngược lại, nếu muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để đạt mục tiêu trên 6% trong năm nay thì phải hy sinh tỉ giá.
Không có giải pháp nào vẹn toàn, nên tùy vào từng thời điểm, phải chấp nhận đánh đổi mục tiêu này để đạt được mục tiêu khác.
PHƯƠNG MINH