Lãi suất tiết kiệm tăng, hơn 400.000 tỉ gửi ngân hàng

(PLO)- Đây là tổng lượng tiền nhàn rỗi của khách hàng cá nhân và tổ chức đang gửi tại các ngân hàng trong ba tháng đầu năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 3-2022 tiền gửi của người dân tại các ngân hàng đạt trên 5,47 triệu tỉ đồng, tăng 3,28% (tương đương tăng gần 180.000 tỉ đồng) so với cuối năm 2021.

Tương tự, tiền gửi của tổ chức doanh nghiệp tại các ngân hàng cũng leo lên mức trên 5,86 triệu tỉ đồng, tương đương tăng hơn 228.000 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm ngoái.

Như vậy, tính chung ba tháng đầu năm nay, lượng tiền gửi của cư dân và tổ chức đang gửi tại các ngân hàng hiện có tới trên 408.000 tỉ đồng.

Tiền gửi ngân hàng cư dân và tổ chức tăng mạnh trong bối cảnh lãi suất huy động tiền gửi tại nhiều ngân hàng đã “thoát đáy” và liên tiếp điều chỉnh tăng. Đơn cử như tại ngân hàng SHB, hiện áp dụng mức lãi suất cao nhất là 7,4%/năm dành cho chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 8 năm và 7,2%/năm cho kỳ hạn 6 năm.

Đối với tiền gửi tiết kiệm thông thường nhận lãi cuối kỳ, lãi suất tiết kiệm của SHB đang dao động từ 3,6-4%/năm cho kỳ hạn từ 1-5 tháng, lãi suất đến 5,5% - 5,7%/năm cho kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng dao động từ 6,1 - 6,2%/năm tùy hạn mức tiền; kỳ hạn 36 tháng là 6,5%/năm.

Tương tự, ngân hàng SCB vừa tăng từ 0,1 – 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn so với trước đó. Cụ thể, kỳ hạn từ 6 tháng neo ở mức 6%/năm và 6,5%/năm đối với kỳ hạn 9 tháng, kỳ hạn 11 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất 6,7%/năm. Riêng các kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng cùng có mức lãi suất là 7,3%/năm.

Hoạt động sản xuất - kinh doanh được khôi phục kéo theo nhu cầu vốn cao hơn, cộng với việc kiếm tiền trên thị trường chứng khoán trong vài tháng gần đây không còn dễ ăn như thời gian trước nữa được xem là những nguyên nhân hỗ trợ dòng tiền quay trở lại ngân hàng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng quý I/2022 đạt 5,04%, mức tăng mạnh nhất 10 năm trở lại đây.

Đáng chú ý, tín dụng tăng đều vào tất cả lĩnh vực của nền kinh tế chứ không phải dồn vào một vài lĩnh vực. Thậm chí, một số lĩnh vực gặp khó khăn trong thời gian qua như vận tải, du lịch, dịch vụ… có mức tăng trưởng tín dụng cao.

Trong khi đó, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực gồm hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin sẽ được giảm trừ trực tiếp lãi suất 2%/năm đối với kỳ trả nợ lãi từ ngày 20-5-2022 đến hết ngày 31-12-2023, hoặc đến khi quy mô gói tín dụng hỗ trợ 40.000 tỉ đồng được sử dụng hết.

Chính sách hỗ trợ lãi suất này giúp các doanh nghiệp kể trên được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất thấp hơn, góp phần giảm bớt chi phí kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động và góp phần mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng và động lực phát triển trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế sau COVID-19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm