TAND huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) vừa tuyên phạt Ngô Văn Minh 30 tháng tù treo vì đã dùng xe công nông chở gỗ bạch đàn rồi để gỗ rơi làm một người bị thương.
Sau phiên tòa, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng tòa xử Minh về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là không đúng. Hành vi của Minh đã phạm vào tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn...
Gỗ rớt, người bị thương
Theo Nghị quyết 32 năm 2007 của Chính phủ, kể từ ngày 1-1-2008, xe công nông bị cấm lưu hành, sử dụng. Tuy nhiên, sáng 19-10-2010, Minh vẫn lái xe công nông đi chở thuê bạch đàn từ nhà một người dân sang xưởng cưa để xẻ cây.
Buổi chiều, Minh quay lại chở gỗ về chỗ cũ. Trên đường đi, do Minh không ràng buộc, che chắn gì nên một đoạn gỗ rớt ra khỏi xe trúng một phụ nữ đang chạy ngược chiều. Bị tai nạn bất ngờ, nạn nhân choạng tay lái ngã nhào, bị thương tật 33%.
Xe công nông tự chế không đảm bảo an toàn nên đã bị cấm lưu thông từ 1-1-2008. Ảnh: HTD
Sau đó, Minh bị khởi tố, truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ với tình tiết tăng nặng định khung là không có giấy phép lái xe.
Xử sơ thẩm vừa qua, HĐXX cho rằng theo khoản 4 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ, bị cáo đã “Đưa xe cơ giới không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật vào hoạt động trên đường bộ”, mặt khác lại gây tai nạn khiến nạn nhân bị thương tích nặng nên hành vi trên thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành của tội vi phạm các quy định... Cạnh đó, bị cáo điều khiển xe công nông nhưng không có giấy phép lái xe nên việc truy tố bị cáo với tình tiết tăng nặng nêu trên là có cơ sở. Tuy nhiên, xét bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ khác nên tòa tuyên phạt bị cáo 30 tháng tù treo.
Xử chưa đúng?
Bàn về việc này, các chuyên gia pháp lý cho rằng tòa xử Minh về tội danh trên là không có cơ sở.
Luật sư Cao Quang Thuần và luật sư Phạm Hiền Trúc (cùng Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích theo quy định, kể từ đầu năm 2008, xe công nông và một số loại xe khác không đảm bảo an toàn bị cấm lưu thông. Tuy nhiên, Minh vẫn sử dụng để chở gỗ thuê là vi phạm pháp luật. Trong trường hợp này, tai nạn lại làm bị thương một người, gây hậu quả nghiêm trọng nên đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Minh. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng huyện Mộ Đức lại đi áp dụng tội vi phạm quy định... và truy tố ở khoản 2 với tình tiết không có giấy phép lái xe là chưa chính xác. Xe công nông bị cấm lưu thông nên không được coi là phương tiện đủ điều kiện để tham gia giao thông. Cũng vì lý do này nên cũng không thể cấp bằng lái xe cho người điều khiển. Như vậy không thể coi là Minh không có bằng lái để định khung hình phạt.
“Theo tôi, hành vi này của Minh đã cấu thành tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn. Do vậy, cấp có thẩm quyền cần hủy án để cấp sơ thẩm xem xét lại tội danh” - luật sư Thuần cho biết.
Tòa áp dụng tội danh chưa chính xác Tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ có đối tượng nhận biết là hành vi điều khiển phương tiện của người lái xe. Nếu người điều khiển vi phạm những quy định về an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hàng hóa, vật được chở trên xe không phải là đối tượng của tội này. Nếu trong quá trình vận chuyển, hàng hóa bị rơi, rớt gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản… cho người khác thì phải xem xét trách nhiệm của người đó ở một tội danh khác. Mặt khác, xe công nông bị cấm lưu hành kể từ ngày 1-1-2008. Kể từ thời gian trên, xe công nông không được phép lưu thông. Trong khi đó, tội vi phạm các quy định... chỉ được áp dụng trong trường hợp phương tiện được phép lưu thông, đủ điều kiện được tham gia giao thông. Mọi hành vi đưa vào sử dụng đối với xe công nông đều vi phạm pháp luật. Với tình tiết báo nêu và hậu quả nêu trên, truy cứu Minh về tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn mới chính xác. ThS MAI KHẮC PHÚC, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM |
HỒNG TÚ