Sở GTVT TP.HCM đang tổng rà soát hệ thống biển báo, tín hiệu đường bộ trên toàn TP. Theo nhiều người dân, cách cắm biển báo, đặt tín hiệu trên nhiều tuyến đường và việc tổ chức, tổ chức lại giao thông ở nhiều khu vực đã, đang tạo ra những cái bẫy cho người đi đường.
Không cảnh báo trước
Nhà anh Minh Hùng ở gần cầu Văn Thánh 2 (phường 22, quận Bình Thạnh). Trước tháng 6-2015, để vào quận 1, mỗi ngày anh Hùng đi theo đường Nguyễn Hữu Cảnh qua giao lộ Tôn Đức Thắng rồi vào đường Lê Thánh Tôn…
Tháng 6-2015, ngành giao thông cho mở dải phân cách giữa phần làn xe máy và phần làn ô tô trên đường Nguyễn Hữu Cảnh ngay chỗ ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm, đồng thời cho phép ô tô con rẽ phải từ Nguyễn Hữu Cảnh sang Nguyễn Bỉnh Khiêm theo chu kỳ đèn.
Cuối tháng 11-2015, theo lối đi mới đã quen vào trung tâm TP như thường ngày, anh Hùng cho xe từ Nguyễn Hữu Cảnh rẽ phải sang Nguyễn Bỉnh Khiêm được một đoạn thì bị CSGT tuýt còi. Anh Hùng thắc mắc lộ trình này đã được phép đi từ nhiều tháng qua sao giờ lại bắt phạt thì CSGT chỉ ra đầu đường có tấm biển báo chính và phụ mới cắm, cấm xe con lưu thông từ 11 giờ đến 24 giờ.
Thế nhưng trước đó cả tuần, trên một đoạn dài ở đường Nguyễn Hữu Cảnh trước khi đến ngã ba không thấy treo băng rôn hoặc biển cảnh báo trước. Thành ra với anh Hùng, tấm biển chính và phụ cắm ở đoạn đầu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi đã qua khỏi ngã ba, như là cái bẫy trên trời rơi xuống, bắt phạt thì anh phải chịu.
Trong một phạm vi hẹp, có tới ba trụ lắp, gá tới bảy loại biển báo nên người đi đường dễ bị rối, trong khi quy chuẩn trong đô thị mỗi biển cách nhau 5-10 m. Ảnh: LĐ
Tấm biển chính và phụ cắm ở đoạn đầu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi đã qua khỏi ngã ba, như là cái bẫy trên trời rơi xuống. Ảnh: LĐ
Tấm biển gắn không hợp lý ở ngã ba đường Trường Sơn - Cách Mạng Tháng Tám. Ảnh: LĐ
Tới ngã ba không biết đi đường nào
Đó là điều khá phổ biến ở nhiều tuyến đường trên địa bàn TP vì chỉ khi đến sát ngã ba người lái xe mới thấy những tấm biển cấm rẽ cả phải lẫn trái.
Ngã ba đường Trường Sơn - Cách Mạng Tháng Tám, bên hông Công viên Lê Thị Riêng, là một ví dụ điển hình. Cách ngã ba này chưa tới 20 m có cắm tấm biển chính và phụ cấm xe khách trên 16 chỗ và xe tải các loại từ đường Trường Sơn rẽ phải và rẽ trái sang đường Cách Mạng Tháng Tám. Do quãng đường còn lại quá ngắn và các dòng xe phía trước từ hai hướng của đường Cách Mạng Tháng Tám liên tục rẽ vào nên các bác tài của hai loại xe trên khi đến đây cũng đành… liều rẽ phải hoặc rẽ trái luôn chứ không thể quay đầu trở lại đường Trường Sơn.
Điều đáng nói trên suốt chiều dài hơn 800 m của đường Trường Sơn hướng ra đường Cách Mạng Tháng Tám không thấy biển cảnh báo nào phía trước là ngã ba… cụt. Chỉ khi qua khỏi ngã ba Hồ Bá Kiện người dân mới thấy có tấm biển báo phía trước 200 m là ngã ba cấm rẽ phải và rẽ trái. Như thế, các xe từ Hồ Bá Kiện rẽ phải sang hoặc xe đi thẳng qua khỏi ngã ba này rồi thì mới biết mình đã rơi vào đoạn đón lõng của ngã ba cụt. Lúc này, họ quay lại thì cũng không được mà đi tiếp thì chấp nhận vi phạm.
Đặt biển báo phải thống nhất Ban An toàn giao thông TP.HCM đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, điều chỉnh những biển báo bất cập, thiếu khoa học; các Khu giao thông đô thị, các quận, huyện tiến hành rà soát, chấn chỉnh ngay những biển báo giao thông bất hợp lý, có tính gài bẫy người đi đường. Các quận, huyện cần phải gắn biển báo thống nhất về kiểu loại, kích cỡ, màu sắc… thống nhất với toàn TP. Chúng tôi không đồng ý với cách các tuyến đường do quận, huyện quản lý lại có biển báo khác kiểu của TP hoặc khác quy chuẩn quốc gia. Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG, Phó ban chuyên trách Đặt biển báo phải rõ ràng, hợp lý Việc lắp đặt biển báo ở nhiều tuyến đường TP.HCM rất bất cập, chưa khoa học… gây khó cho người đi đường. Phần lớn biển báo quá nhỏ và đặt trên lề đường bên phải là không hợp lý. Đặc biệt nhiều biển báo được lắp ở “điểm mù”, bị che khuất nên người đi xe rất dễ bị phạm lỗi rẽ trái, quay đầu, đi sai làn đường… Theo tôi, các biển báo quan trọng cần chủ yếu là hình, biểu tượng, hạn chế chữ, trường hợp cần chữ thì cỡ chữ cần to, đậm… Biển báo cần được treo trên cao vừa tầm nhìn và giăng ngang giữa đường để mọi người dễ dàng nhìn thấy từ xa. TS PHẠM XUÂN MAI Đèn tín hiệu giao thông nên lắp đặt ngay làn xe và bên kia giao lộ, lái xe mới dễ quan sát từ xa, không phải ngước lên nhìn khi xe dừng ở giao lộ. Riêng biển báo các công trình, công trường cần lắp đặt phía trước, xa rào chắn thì người lái xe mới dễ thấy, có thể là trước 500-1.000 m, sau đó gắn thêm biển báo liên tục để nhắc lại cho người đi đường biết thêm. Hiện nay, khi tới gần công trình mới nhìn thấy biển báo thì đã quá muộn, dẫn tới việc xe quay đầu tìm đường khác đi, dễ gây ùn tắc giao thông, dẫn tới tai nạn… Ông HOÀNG MINH LƯU, quận 7, TP.HCM |