Lâm Đồng: 5 lần điều chỉnh văn bản tách thửa vẫn tắc

(PLO)- Sau nhiều lần ban hành văn bản rồi tạm dừng, các vướng mắc về tách thửa đất tại tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa được tháo gỡ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau “cơn lốc” hiến đất làm đường phân lô trái phép trên đất nông nghiệp ồ ạt ở Lâm Đồng vài năm trước, tỉnh Lâm Đồng liên tục ban hành các văn bản xử lý vướng mắc liên quan đến việc phân lô, tách thửa, kinh doanh bất động sản trên địa bàn. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã năm lần ban hành các văn bản liên quan đến vấn đề này, song việc tách thửa vẫn bế tắc. Điều này khiến người dân có nhu cầu tách thửa hợp pháp cũng không thực hiện được.

Tạm dừng tách thửa, người dân tìm cách lách luật

Anh NN (ngụ huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) có 18.000 m2 đất ở xã Mê Linh, ban đầu dự kiến sẽ xây nhà cùng phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch. Sau hai năm đại dịch COVID-19 bùng phát, công việc kinh doanh khó khăn nên anh muốn tách

1.000 m2 bán cho người bạn để có vốn xây dựng đầu tư, thay vì phải đi vay ngân hàng.

Anh N cho biết khi anh nộp hồ sơ xin tách thửa thì bị trả lại vì huyện ngưng tiếp nhận hồ sơ theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng chỉ giải quyết hồ sơ tách thửa cho các trường hợp thừa kế hoặc tặng cho theo quy định. Mỗi người nhận từ việc cho tặng hoặc thừa kế chỉ được nhận một thửa đất sau khi tách thửa.

Sau đó, anh N được tư vấn của dịch vụ làm giấy tờ mách nước là phải đi đường vòng bằng cách tặng cho vợ hoặc con ruột. Sau khi tách sổ ra đứng tên vợ hoặc con ruột rồi mới có thể tiếp tục chuyển nhượng.

“Từ một người sử dụng đất minh bạch, giờ cần vốn đầu tư cho chính khu đất của mình, tôi lại phải chọn con đường lách luật, thay vì cứ đường đường chính chính mà làm. Việc tạm dừng tiếp nhận, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc phân lô, tách thửa đất nông nghiệp chỉ làm cho người thực sự cần tách thửa phải đối phó chứ không làm giảm việc núp bóng cá nhân phân lô, bán nền để kinh doanh bất động sản” - anh N bức xúc nói.

Ông Nguyễn Xuân Hải (ngụ phường 2, TP Bảo Lộc) cũng như nhiều người dân có đất, có đủ các điều kiện để tách làm hai thửa. Trong đó, một thửa để sử dụng, một thửa còn lại cần bán để trang trải cuộc sống cho gia đình hoặc để tiện cho việc sử dụng của gia đình, không phải thuộc diện kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, trong thời gian qua, cơ quan chức năng ở TP Bảo Lộc không giải quyết tách thửa cho những trường hợp trên.

Cũng theo ông Hải, Văn bản 4911 của UBND tỉnh Lâm Đồng quy định chưa rõ ràng, quy định thế nào, xác định thế nào, ai thuộc trường hợp kinh doanh bất động sản.

“Những người dân bình thường có một lô đất, đủ điều kiện để tách làm hai thửa, họ đã thực hiện đóng góp đầy đủ các nghĩa vụ thuế cho Nhà nước, họ không kinh doanh bất động sản nhưng vẫn không cho họ tách thửa. Điều này đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu chính đáng của người dân” - ông Hải bức xúc.

Theo một lãnh đạo chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Lâm Đồng, hiện cơ quan này vẫn đang giải quyết những trường hợp đăng ký tặng cho. Tuy nhiên, hồ sơ tách thửa trong trường hợp này cũng được “soi” rất kỹ, tránh trường hợp lách luật.

Những dự án phân lô trái phép đang chờ xử lý tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: VÕ TÙNG

Những dự án phân lô trái phép đang chờ xử lý tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.
Ảnh: VÕ TÙNG

Năm lần ban hành văn bản liên quan đến tách thửa ở Lâm Đồng

Theo thống kê của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, từ năm 2018 đến 2021, chỉ tính riêng trên địa bàn TP Bảo Lộc đã có 3.873 hồ sơ xin tách thửa (1.214 ha) thành 12.736 thửa đất mới. Trong số này có 115 trường hợp hộ gia đình, cá nhân hiến hơn 21 ha đất để làm đường.

Trước tình trạng hiến đất làm đường và phân lô, tách thửa ồ ạt, tháng 10-2021, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản yêu cầu dừng mọi hoạt động tách thửa để hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Một tháng sau (tháng 11-2021), Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp ký ban hành Quyết định 40/2021 quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Tại quyết định này quy định, diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất nông nghiệp là

500 m2 tại khu vực đô thị; 1.000 m2 tại khu vực nông thôn. Trường hợp tiếp giáp với đường giao thông, ngoài diện tích tối thiểu tách thửa theo quy định thì thửa đất phải có kích thước cạnh tiếp giáp đường lớn hơn 10 m. Như vậy, so với trước đó, diện tích tối thiểu để được tách thửa đất nông nghiệp tăng lên gấp hai lần.

Văn bản này triển khai được ba tháng (đến tháng 1-2022) thì Sở TN&MT có văn bản yêu cầu các địa phương tạm dừng tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc phân lô, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Đến tháng 7-2022, sau sáu tháng không giải quyết hồ sơ tách thửa, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục ban hành Văn bản 4119 về việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết hồ sơ tách, hợp thửa đất. Theo đó, cá nhân chỉ có thể tách thửa, sang nhượng quyền sử dụng đất khi thành lập hợp tác xã, công ty. Ngoài ra, thửa đất mà người dân muốn tách phải lập dự án, lập quy hoạch để trình phê duyệt.

Văn bản này chỉ giải quyết tách thửa đối với các trường hợp thừa kế hoặc tặng cho giữa các cá nhân có quan hệ họ hàng, ruột thịt. Mỗi người nhận hoặc cho tặng chỉ được nhận một thửa đất sau khi tách thửa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn tiếp tục có nhiều vướng mắc khiến việc tách thửa của người dân bị đình trệ.

Đến ngày 16-3, trước nhiều kiến nghị, vướng mắc trong việc tách thửa đối với đất nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp đã ký Văn bản 1952 để xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc phân lô, tách thửa, kinh doanh bất động sản trên địa bàn các huyện, TP.

Tuy nhiên, theo các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, văn bản mới của tỉnh cũng chưa giải quyết hết các vướng mắc của việc tách thửa. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai cho hay trong hướng dẫn vẫn chưa làm rõ được “tách thửa đất nhỏ lẻ” và “không kinh doanh bất động sản”. Vì vậy, tới đây việc giải quyết các hồ sơ tách thửa của người dân sẽ tiếp tục ách tắc.•

Đã chuyển hồ sơ, văn bản cho Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp kiểm tra

Theo ông Nguyễn Tạo, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, liên quan ban hành văn bản quy định về vấn đề tách thửa tại tỉnh Lâm Đồng, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã mượn các tài liệu liên quan để tiến hành kiểm tra về việc ban hành văn bản pháp luật của tỉnh Lâm Đồng. Ông Tạo cho biết ngày 5-4, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long sẽ có chương trình làm việc tại tỉnh Lâm Đồng. “Cục sẽ kiểm tra văn bản của tỉnh Lâm Đồng và sẽ có văn bản trả lời các vấn đề liên quan đến việc ban hành các văn bản tách thửa trước khi diễn ra buổi làm việc của bộ trưởng. Đây là vấn đề liên quan đến hạn chế quyền của công dân nên Bộ Tư pháp và Quốc hội rất quan tâm” - ông Tạo nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm