Làm gì để giải ngân vốn đầu tư công đạt hiệu quả?

(PLO)- Các chuyên gia đánh giá áp lực hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm là khá lớn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đẩy mạnh giải ngân triển khai các dự án đầu tư công được xem là động lực kỳ vọng giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi tăng trưởng cho năm 2023. Thế nhưng, một số bộ, ngành và các tỉnh, thành lại đang đề nghị hoàn trả vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

Lý do nhiều địa phương hoàn trả vốn đầu tư công

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tỉ lệ ước tính giải ngân tám tháng kế hoạch năm 2023 của cả nước tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, vẫn có tới 33 bộ, cơ quan trung ương và tám địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch vốn. Bộ Tài chính cho biết đến nay một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có văn bản đề nghị cắt giảm kế hoạch năm 2023. Theo tổng hợp của Bộ KH&ĐT, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang đề nghị điều chỉnh giảm hơn 9.350 tỉ đồng.

P8_hinhbai.jpg
Dự án đường đôi vào phía nam TP Phan Rang - Tháp Chàm, một trong những dự án đầu tư công đã hoàn thành trong năm 2023 của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: HUỲNH HẢI

TS Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, luật và quản lý (CTELG) thuộc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng các địa phương trả lại vốn đầu tư công được giao có thể do thấy thiếu tính khả thi. Quy hoạch và năng lực khai thác các vật liệu không thể theo kịp quy mô đầu tư công tăng lên. Ngoài ra, do giá một số vật liệu, nhất là các vật liệu làm nền cho cơ sở hạ tầng như cát, đất nền tăng cao làm biến đổi chi phí dự án khiến các đơn vị không kịp điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Theo TS Nghĩa, nếu các địa phương “cố đấm ăn xôi” thì dự án đầu tư công cũng khó thực hiện, thậm chí càng làm càng lỗ. Thực tế, nhiều địa phương triển khai đồng loạt cùng lúc quá nhiều dự án, đẩy tiến độ thì cũng khó về nguồn cung nguyên vật liệu, nhân lực… Nhiều địa phương đang thiếu cơ quan chuyên môn có nghiệp vụ để tính toán và lập các phương án dự phòng rủi ro cho dự án đầu tư công. Nếu tính toán không kỹ về chi phí lẫn thời gian triển khai thì dễ dẫn đến tình trạng đội vốn, dự án bị đình trệ, kéo dài, gây lãng phí.

“Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương nếu xem xét thấy những dự án đầu tư công chưa cần thiết hoặc không khả thi, hay chưa tính toán kỹ về chi phí, khả năng thực hiện thì việc hoàn trả vốn là hợp lý” - vị chuyên gia đánh giá.

TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho rằng nhà thầu dù rất muốn có công việc nhưng lại chưa mặn mà với các dự án đầu tư công, vì càng làm càng lỗ.

Ngoài ra, theo TS Điền, khâu thủ tục cũng là lo ngại khiến các nhà thầu không muốn tham gia dự án đầu tư công. Dù nhiều địa phương đã nỗ lực làm việc với các chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân nhưng do bị vướng mắc trong khâu thủ tục phê duyệt và tổng thầu trọn gói khiến nhiều nhà thầu không thể triển khai thi công.

Các chuyên gia đánh giá đầu tư công không chỉ mỗi vốn mồi mà còn tính chất hiệu quả của dự án, chủ động vốn, chọn đối tác, các nguồn lực…

Ưu tiên dự án trọng điểm, tránh đội vốn

Các chuyên gia đánh giá đầu tư công không chỉ mỗi vốn mồi mà còn tính chất hiệu quả của dự án, chủ động vốn, chọn đối tác, các nguồn lực… Việc tăng vốn mồi chỉ đảm bảo được tính chủ động của Nhà nước trong vấn đề triển khai và chọn chủ đầu tư, đối tác.

Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Phước Nghĩa, ngoài thủ tục pháp lý, cơ chế, chính sách, đấu thầu lựa chọn đối tác… thì dự án đầu tư công muốn triển khai nhanh, hiệu quả cần chú ý đến hai yếu tố. Thứ nhất, cần ưu tiên vốn với đầu tư công, nhất là những dự án trọng điểm. Hiện có nhiều dự án triển khai nhiều năm chưa xong, tỉnh nào cũng có dự án đầu tư công, dự án nào cũng trọng điểm, dự án mênh mông mà không tập trung khiến dự án nào cũng dở dang.

“Thứ hai, thời gian triển khai dự án đầu tư công kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí, đội vốn, biến động kinh tế” - TS Nghĩa nói.

TS Nghĩa lưu ý đối với các dự án đầu tư công trong tương lai, các bộ, cơ quan phải xem xét thấu đáo những điều kiện, khả năng giải ngân, nhất là về giải phóng mặt bằng, bồi thường, quy hoạch… Từ đó tránh tình trạng đưa vào kế hoạch nhưng nhiều năm không giải ngân được và phải trả lại vốn.

Sợ trách nhiệm, thủ tục kéo dài là những vướng mắc lớn dẫn đến những vướng mắc khác của đầu tư công được TS Huỳnh Thanh Điền chỉ ra. Đơn cử việc giải phóng mặt bằng, triển khai dự án quy mô lớn, có những đơn vị chưa bao giờ làm, kinh nghiệm hạn chế dẫn tới một số nơi có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm.

TS Điền cho rằng các bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư phải ngồi lại phối hợp để giải quyết những vướng mắc, thống nhất quy trình, thủ tục của dự án. Lãnh đạo địa phương cần chủ động rà soát, cắt giảm, điều chuyển vốn đối với các dự án triển khai chậm, bổ sung vốn cho các dự án có khối lượng chưa hoàn thành.•

Tám địa phương giải ngân vốn đầu tư công thấp

Theo Bộ Tài chính, tám địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công tám tháng năm 2023 thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Tỉnh Gia Lai đạt khoảng 24%, tỉnh Kon Tum đạt hơn 37%, tỉnh Lâm Đồng đạt hơn 37%, tỉnh Bình Phước đạt 38%, tỉnh Bình Thuận đạt khoảng 39%; Đồng Nai, Đắk Nông, Ninh Thuận đạt trên 40%.

Tính đến ngày 15-9-2023, vẫn còn một số dự án của tám địa phương có tỉ lệ giải ngân quá thấp, đặc biệt là các dự án có số giải ngân bằng 0.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, ước tính đến ngày 30-9-2023, số vốn giải ngân đầu tư công khoảng 363.310 tỉ đồng, đạt hơn 51% kế hoạch Thủ tướng giao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm