Trong các tranh chấp, tranh chấp liên quan đến đất đai nhà ở xảy ra khá phổ biến. Nhiều người lựa cách giải quyết bằng việc khởi kiện tại tòa nhưng cũng có nhiều người lại "gây sự" bằng việc đập phá tài sản trên đất.
Vậy hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào và nếu rơi vào tình huống như vậy thì nên làm gì?
Theo luật sư Bùi Trần Nhật Vi (Đoàn Luật sư TP.HCM), quyền sở hữu tài sản là một trong các quyền của tổ chức, cá nhân được nước ta ghi nhận và bảo hộ bằng các chế định bảo vệ quyền sở hữu tài sản được quy định rất chặt chẽ. Do đó, hành vi đập phá tài sản của người khác tuỳ vào trị giá hư hỏng, thiệt hại của tài sản và mức độ nguy hiểm của hành vi mà pháp luật có các chế tài tương ứng.
Về trách nhiệm hành chính, căn cứ điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội...) thì hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Về trách nhiệm hình sự, theo Điều 178 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp như đã bị xử phạt hành chính hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự... sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp phạm tội có tổ chức, gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 triệu đồng trở lên, tài sản là bảo vật quốc gia; dùng chất nguy hiểm về cháy nổ hoặc các thủ đoạn nguy hiểm khác... thì có thể bị phạt từ từ 2 năm trở lên và mức cao nhất là 20 năm tù.
"Lưu ý là phần trị giá ở đây là chỉ mức độ thiệt hại của tài sản chứ không phải về giá trị của tài sản", Luật sư Vi nói.
Do đó, khi xảy ra hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thì cần căn cứ vào Biên bản định giá của Hội đồng định giá được thành lập theo quy định của pháp luật để xác định giá trị thiệt hại của tài sản chứ không phải căn cứ vào giá trị mua bán tài sản. Tuy nhiên, việc lưu giữ các hoá đơn, chứng từ mua bán hàng hoá là cần thiết vì đó cũng là một trong các căn cứ để Hội đồng định giá xác định giá trị của tài sản bị huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng.
Luật sư Vi khuyên mọi người khi gặp phải trường hợp có người đang phá hoại tài sản phải bình tĩnh để có những ứng xử phù hợp vừa để bảo đảm an toàn về sức khoẻ, tính mạng cho bản thân nhất là tránh vướng vào lao lý và nhằm để lưu giữ các chứng cứ về sau.
Cụ thể, khi có hành vi đập phá tài sản nếu là phái yếu hoặc những người có hành vi vi phạm đi quá đông, ở những nơi vắng thì không nên cãi vã hoặc chống trả. Lúc này chúng ta nên đi đến nơi có người qua lại, nhà dân hoặc chính quyền địa phương gần nhất để kêu cứu và trình báo sự việc. Nếu là nơi đông người thì có thể sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị có thể ghi âm, ghi hình để ghi nhận hành vi phá hoại tài sản và trình báo đến cơ quan công an gần nhất tại nơi xảy ra hành vi vi phạm.