Lắm nơi chất lượng nhưng cũng lắm người “ăn theo”
Hiện nay nhiều nơi sử dụng phân thuốc trừ sâu quá nhiều dẫn đến ngộ độc thực phẩm cũng như cho hóa chất vào thực phẩm làm nhiều người hoang mang lo sợ. Chính vì thế hiện nay khái niệm thực phẩm nhà làm được lên ngôi.
Hiện nay nhiều món được quảng cáo là thực phẩm nhà làm trên mạng xã hội. Ảnh: NC
Thực phẩm nhà làm được rao bán nhiều ở các trang mạng xã hội, cũng như được rao bán từ những người quen biết với nhau. Từ những thực phẩm rau, cá, thịt đến một số loại bánh mứt, gỏi, khô, mắm,… Cách buôn bán này hiện đang được rất nhiều người ưa chuộng.
Tuy nhiên, trên thực tế, nếu mua ở những người quen biết thì còn đảm bảo được chất lượng. Nhưng nếu mua ở những người quảng cáo trên mạng xã hội không uy tín thì khó kiểm soát được chất lượng của nó. Thông thường hàng nhà làm có giá cao hơn so với giá thị trường vì họ cho rằng nguồn thực phẩm họ được đảm bảo chất lượng. Lợi dụng việc này mà nhiều người lấy hàng của một số nơi rồi báo là của nhà làm để đánh lừa người tiêu dùng. Chính vì thế hàng nhà làm hiện nay được rao bán rất tràn lan theo kiểu “ăn theo”.
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện nay việc buôn bán thực phẩm gọi là nhà làm trên các mạng xã hội là khá phổ biến. Tuy nhiên, không phải nơi nào rao bán những sản phẩm nhà làm cũng là hàng có chất lượng, có một số nơi lợi dụng quảng cáo như thế để bán hàng kém chất lượng. Chính vì thế khi mua hàng người tiêu dùng phải biết thật chính xác nguồn gốc của thực phẩm đó chứ không chỉ nghe qua quảng cáo, vì trường hợp chỉ nghe qua quảng cáo nhưng lại gặp phải hàng kém chất lượng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.
Cần có quy định về hàng nhà làm
Mặc dù là hàng nhà làm hay hàng bất cứ một nơi nào sản xuất cũng nên có một quy định để người sản xuất tuân thủ. Chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành cũng chia sẻ về vấn đề này, nhu cầu “thực phẩm nhà làm” là điều có thật, nhất là vào những dịp lễ hội, mặc dù chúng ta đang sống trong một xã hội đầy những thực phẩm công nghiệp, mà vấn đề an toàn thực phẩm được kiểm soát chặt, với đủ thứ quy định, từ khâu nguyên liệu, chế biến, bảo quản cho đến nơi bày bán…
Tuy nhiên, thực phẩm, một khi đã được thương mại hóa, được marketing qua Facebook thì buộc phải tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm. Người chế biến và người bán phải chịu trách nhiệm về sản phẩm kinh doanh của mình. Vấn đề là quy định nên như thế nào để người chế biến tại gia có thể tuân thủ, nhằm hạn chế rủi ro về an toàn cho người tiêu dùng.
"Liệu Việt Nam cần có quy định về “thực phẩm nhà làm” để hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng? Vấn đề là quy định phải tạo điều kiện thuận lợi để người dân làm ăn, có lợi cho sức khỏe cộng đồng chứ không phải quy định “trên trời” để gây khó dễ" - ông Vũ Thế Thành chia sẻ thêm.