Làm nông thôn mới: Đừng để lãng phí

Liên quan đến vấn đề nguy cơ nợ đọng và lãng phí trong xây dựng nông thôn mới (NTM), trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên hành lang Quốc hội (QH) ngày 5-11, nhiều đại biểu (ĐB) QH tiếp tục bày tỏ những bất cập trong quá trình thực hiện chương trình này.

Đừng vì thành tích, bất chấp mọi giá

Về vấn đề này, ĐBQH Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng trong quá trình thực hiện, không nên chạy theo thành tích, không nên vì thành tích mà bắt buộc hoàn thành chỉ tiêu 50% số xã đạt NTM vào năm 2020. “Nếu chúng ta quyết tâm bằng mọi giá chắc chắn sẽ để lại hệ lụy khi mà chúng ta chưa có sự chuẩn bị tốt về ngân sách, nguồn vốn đầu tư” - ĐB Hoàng nói thế và cho rằng: “Các địa phương không nên cố gắng quá sức với tiềm lực của địa bàn đó để xây dựng hạ tầng, dẫn đến phải vay mượn nguồn vốn. Thay vào đó là các xã, huyện nên liệu cơm gắp mắm phù hợp với tình hình”.

Bên cạnh đó, theo bà Hoàng, Chính phủ cần xem lại hiệu quả của các dự án, công trình như nhà văn hóa, chợ gắn với nhu cầu của người dân. “Chẳng hạn, một vùng nào đó người dân vừa thoát nghèo, đủ ăn thì nhu cầu văn hóa là có nhưng cần ưu tiên cái ăn cái mặc đã. Một số chợ được xây dựng với tiêu chí đưa ra không thực tế, không sử dụng hết công năng. Do đó Ban Chỉ đạo NTM quốc gia cần chỉ đạo đánh giá lại tiêu chuẩn về hạng mục này, đưa ra định lượng chỉ tiêu phù hợp”. ĐB Hoàng đề nghị thế và lấy dẫn chứng ở ĐBSCL thì không thể xây một cái chợ khang trang trên đất liền vì phần lớn người dân giao dịch buôn bán trên sông nước. Thậm chí có nhiều nơi thuyền ghe chở hàng hóa giao tận nhà. Trong khi nếu xây chợ, người dân sẽ phải đi quãng đường xa nên họ sẽ không mặn mà.

 
Chợ Sơn Kỳ (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) bỏ hoang suốt bao năm qua. Ảnh: Lao Động

“Do sức ép thành tích, chạy theo mục tiêu”

ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội) nhìn nhận NTM là chủ trương đúng đắn và cần thiết để nâng cao đời sống nông dân nhưng quá trình thực hiện chưa chuẩn. “Chỉ nên tập trung xây dựng NTM ở một số xã, không nên dàn trải, dẫn đến tình trạng lỏng lẻo trong thực hiện” - bà An đề nghị.

Theo ĐB An, bộ mặt nông thôn hiện nay chỉ bề ngoài chứ thực chất chưa xuất phát từ người nông dân tự phấn đấu. Các công trình NTM đang gây ra lãng phí, bị bỏ hoang,… “Chính phủ phải rà soát lại các xã xem chỗ nào cần thiết thì đầu tư trước, theo hình thức cuốn chiếu. Nhà nước nên tập trung vào các xã biên giới, vùng sâu vì mỗi nơi có đặc điểm vị trí khác nhau, không thể cào bằng chỉ tiêu. Từ đó cần sửa lại tiêu chí, cần thiết có thể bỏ một số hạng mục để tránh lãng phí kép” - ĐB An đề xuất.

Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), đa số người dân ủng hộ chương trình NTM nhưng quá trình triển khai lại xảy ra hạn chế. Đó là do sức ép thành tích, chạy theo tiêu chí để đạt mục tiêu, không quan tâm đến người dân cần gì ở những công trình đó. Ngoài ra một số nơi khi xây dựng các công trình không khảo sát kỹ, đánh giá tác động sơ sài, không lường trước được hệ lụy mang lại.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: “Không chạy theo thành tích, gây nợ”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Chương trình xây dựng NTM, cho hay: “Ban Chỉ đạo quốc gia đã thống nhất sửa đổi, bổ sung các chỉ tiêu, tiêu chí NTM để tránh sự lãng phí các nguồn lực trong quá trình thực hiện”.

Cụ thể là không nhất thiết xã nào cũng phải có chợ hay có nhà sinh hoạt cộng đồng đúng quy chuẩn, xã vùng cao nào cũng phải có đường giao thông nội đồng khi mà diện tích đất canh tác manh mún, chia cắt. Việc sửa đổi này sẽ thực hiện từ năm 2016 trở đi nhưng trên nguyên tắc không hạ tiêu chuẩn NTM”. Phó Thủ tướng cho hay quan điểm sửa đổi bộ tiêu chí quốc gia sẽ có nhóm tiêu chí “cứng” (bắt buộc các địa phương phải thực hiện) và có nhóm tiêu chí “mềm” (địa phương được thực hiện linh hoạt). Về nguồn lực thực hiện, năm 2016, các bộ/ngành sẽ rà soát, tập trung nguồn ngân sách cho các xã nghèo vùng biên giới, hải đảo gấp bốn lần hiện nay. “Các địa phương không được huy động dân ở vùng này đóng góp tiền xây dựng NTM, phải có chính sách chi thêm vào thu nhập của người dân khi tham gia xây dựng các công trình NTM trên địa bàn” - ông Ninh cho hay.

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, nơi nào cân đối được ngân sách thì trung ương sẽ phân bổ ít đi, để tập trung cho các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn trong xây dựng NTM. Các bộ cũng sẽ nghiên cứu xây dựng chỉ tiêu số lượng xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020 tùy theo từng vùng, khu vực để tránh tình trạng chỉ tiêu vượt quá khả năng thực hiện của các tỉnh còn khó khăn này.

“Tôi cũng đã giao các bộ tiếp tục chỉ đạo địa phương tích cực xử lý và không để nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM vì chạy theo thành tích” - ông Ninh nói.

Chợ bỏ hoang, nhà văn hóa xuống cấp

Nhiều công trình xây dựng phục vụ cho mục tiêu NTM hoặc bị bỏ hoang, hoặc bị xuống cấp nhanh chóng đang gây ra tình trạng lãng phí, thiếu hiệu quả. Một số ví dụ mà báo chí đã nêu:

- Chợ Đắk Ru (huyện Đắk R’lấp) được khởi công xây dựng từ tháng 12-2009 và hoàn thành vào tháng 5-2010 với tổng vốn đầu tư hơn 5,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành chợ lại không đưa vào hoạt động, các hoạt động buôn bán không diễn ra nên chợ đã bị bỏ hoang dẫn đến các hạng mục của chợ xuống cấp một cách trầm trọng, gây lãng phí hàng tỉ đồng.

- Chợ Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi đã “ngốn” hơn 1,3 tỉ đồng để xây đi sửa lại. Mục tiêu của việc xây dựng chợ ở xã miền núi này là phục vụ đời sống dân sinh, góp phần tăng trưởng kinh tế-xã hội địa phương và đáp ứng đủ các tiêu chí để phấn đấu trở thành xã NTM. Tuy nhiên, 10 năm nay chợ vẫn bị bỏ hoang chỉ vì xây không phù hợp tập quán của đồng bào miền núi.

- Công trình Nhà văn hóa huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) có tổng mức đầu tư lên tới hơn 9 tỉ đồng do UBND huyện Yên Mỹ làm chủ đầu tư. Nhà văn hóa này được đưa vào sử dụng từ năm 2009 nhưng tới nay vẫn chưa được nghiệm thu, bàn giao. Tuy nhiên, thời gian sử dụng nhà văn hóa này chưa đến bảy năm thì công trình đã xuống cấp nghiêm trọng.

PV tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm