Nguy cơ nợ đọng từ xây dựng nông thôn mới

Khi Quốc hội (QH) đang thảo luận về kết quả các chương trình mục tiêu quốc gia (chiều 4-11) thì bên hành lang hội trường, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh đã ngay lập tức bày tỏ lo ngại với Thủ tướng về việc xuất hiện nợ đọng hàng ngàn tỉ đồng ở các địa phương do quá hào hứng xây dựng nông thôn mới (NTM).

Lo lắng của Bộ trưởng Vinh không chỉ từ báo cáo mà ông nhận được của các địa phương mà thể hiện cả trong ý kiến các đại biểu QH. Bà Cao Thị Xuân đến từ Thanh Hóa cho biết tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản ở các xã tham gia chương trình xây dựng NTM là khá phổ biến. Càng hoàn thành nhiều tiêu chí mà trung ương đề ra thì nợ đọng lại càng lớn.

Tương tự, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng nhiều nơi đang xây dựng NTM kiểu phong trào, vô cùng lãng phí. Ở nhiều huyện, trung tâm dạy nghề xây dựng xong bỏ đó, không khai thác. Nhà văn hóa xã đầu tư rất to đẹp nhưng để không bởi không có biên chế, cán bộ chuyên môn phụ trách, tổ chức sinh hoạt cộng đồng.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy giai đoạn 2011-2015 hàng chục chương trình mục tiêu quốc gia đã được triển khai. Mặc dù có tạo những kết quả nhất định nhưng đã bộc lộ nhiều hạn chế như nội dung trùng lắp, chi phí hành chính cho quản lý các dự án còn lớn, nguồn lực bị dàn trải. Khắc phục vấn đề này, Chính phủ chủ trương dừng lại tất cả để lồng ghép vào hai chương trình lớn vốn được triển khai từ nhiệm kỳ này, gồm chương trình xây dựng NTM và chương trình giảm nghèo bền vững.

 
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh bày tỏ lo ngại về việc xuất hiện nợ đọng từ xây dựng nông thôn mới với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên hành lang Quốc hội ngày 4-11. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Hầu hết đại biểu QH phát biểu đều đồng tình chủ trương đó. Tuy nhiên, họ cho rằng cần phân tích sâu, rõ hơn về những hạn chế, bất cập để rút kinh nghiệm cho giai đoạn tới. Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), người rất thẳng thắn trên diễn đàn QH, trăn trở: “Thất thoát, lãng phí trong các chương trình mục tiêu, dân dứt khoát nói có. Nhưng báo cáo lại chưa nói rõ là kinh phí rót xuống, tới dân, tới cơ sở được bao nhiêu. Chỉ thấy ngành nào cũng có dự án, địa phương nào cũng có dự án và người làm dự án thì có thu nhập tốt từ dự án”.

Cũng theo lời ông Sơn, báo cáo của Chính phủ nói các chỉ tiêu mà các chương trình mục tiêu quốc gia đề ra cơ bản đều đạt. Điều đó rất đáng mừng. “Nhưng đằng sau con số đó, chất lượng thế nào? Mấy trăm ngàn, mấy triệu lao động được đào tạo, thực sự bao nhiêu sinh kế được?” - ông nêu câu hỏi.

Từ thực tế không mấy vui về các chương trình mục tiêu quốc gia và kể cả những vướng mắc trong quá trình xây dựng NTM mấy năm nay, nhiều đại biểu QH đề nghị Chính phủ cần có những điều chỉnh phù hợp. Bởi tiêu chí xây dựng NTM ở vùng sâu, vùng núi không thể cùng một khuôn như đồng bằng. Như góp ý của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): “Phân loại nghèo cũng nên chi tiết, thực tế hơn. Bởi có loại là nghèo bền vững - ông chơi chữ với giảm nghèo bền vững - như người tàn tật, già cả. Số đó làm sao thoát nghèo được. Chỉ có cách hỗ trợ họ trực tiếp bằng các chính sách an sinh xã hội. Đầu tư cho người nghèo cũng phải sát thực tế, không thể cấp bò, heo giống cho cả xã, bất kể họ có điều kiện chăn nuôi hay không”.

Dự luật báo chí sửa đổi có vẻ nặng nề cấm đoán

Đây là nhận định của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH khi thẩm tra dự án sửa đổi Luật Báo chí, trình bày trước QH ngày 4-11. Theo đó, dự thảo chưa chỉ rõ được chủ thể của quyền tự do báo chí là công dân. Chưa phân biệt tự do báo chí khác gì tự do ngôn luận trên diễn đàn báo chí.

Cũng theo cơ quan thẩm tra này, việc liệt kê các “nội dung” bị cấm lẫn lộn, chưa rõ với “hành vi” bị cấm và quá nhiều điều cấm khiến dự luật có vẻ nặng nề, chưa đáp ứng yêu cầu của một luật về bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Một số điều cấm như cấm tuyên truyền chống nhà nước, gây phương hại an ninh trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin cổ súy hủ tục, mê tín dị đoan, thông tin chuyện thần bí, các vấn đề khoa học mới chưa được kết luận gây hoang mang xã hội... là chưa cụ thể, dễ dẫn tới vận dụng tùy tiện, hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát, lược bớt những gì đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, tránh gây ấn tượng nặng nề cho Luật Báo chí.

Đáng chú ý, ủy ban trên cho rằng thủ tục, nội dung phải xin cấp phép quá nhiều, làm giảm tính chủ động của cơ quan báo chí, hạn chế quyền tự do báo chí. Ban soạn thảo cần rà soát các quy định về giấy phép, thủ tục thông báo, tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của cơ quan báo chí; tăng quyền tự chủ cho các cơ quan báo chí để có thể hoạt động sáng tạo. Thay vì ấn định giấy phép chỉ có giá trị trong 10 năm, luật chỉ nên quy định về những trường hợp cụ thể phải tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động báo chí.

Theo dự luật, văn phòng đại diện, PV thường trú chỉ được hoạt động khi có chấp thuận bằng văn bản của UBND địa phương. Cơ quan thẩm tra cho rằng quy định như vậy là hạn chế quyền tự do báo chí, bởi một số trường hợp chính quyền sẽ gây khó dễ cho những PV trước đó có bài phản ánh vụ việc tiêu cực trên địa bàn. Vì vậy thay vì xin phép, chỉ nên quy định cơ quan báo chí phải thông báo bằng văn bản tới UBND tỉnh trước khi đặt văn phòng đại diện và cử PV thường trú là đủ...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm