Lạm phát học sinh giỏi: Đã đến lúc thay đổi cách học và đánh giá HS?

Một bạn đọc viết và tâm sự: "Đọc qua bài viết của Thầy giáo TS.Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, tôi rất tâm đắc ý kiến của thầy về nhận định đánh giá học sinh giỏi: Chưa dựa vào năng lực thật ! Đúng. Tôi xin nêu lên một ví dụ của tôi để cho các nhà làm quản lý giáo dục suy ngẫm.
Tôi là một phụ huynh của một học sinh giỏi của một trường THCS ở Thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Phải nói rằng tất cả những người làm cha, làm mẹ ai cũng mừng và hạnh phúc khi có đứa con học giỏi, nhất là đối với tôi, do điều kiện công tác của cả hai vợ chồng xa nhà (sáng đi, tối mới về) nên để có thời gian chăm sóc, dạy bảo và kèm cặp cho cháu có ý thức trong học tập thì không có, mọi việc chỉ nhờ vào các thầy cô giáo bộ môn, gia đình chỉ việc lo tiền học thêm.
Sau ngày trường tổng kết và phát thưởng, tôi có gợi ý cho cháu thi vào trường chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai (vì môn toán cháu đạt 8,5) và tìm chọn giáo viên luyện thi vào lớp 10 cho cháu, đến nay đã gần một tháng, chuẩn bị cho cháu đi thi vào ngày 11, 12/6 tôi mới vỡ lẽ chuyện học của cháu thông qua nhận xét của giáo viên luyện thi: Kiến thức về toán THCS của cháu còn rất yếu, không thuộc lý thuyết, một số bài tập cơ bản trong SGK không làm được.
Sự thật gia đình chúng tôi rất buồn, không phải vì mất tiền mà chất lượng con mình không có, mà buồn vì các nhà quản lý giáo dục hiện nay còn nặng về thành tích, chưa nghiêm túc trong việc: “học thật, dạy thật, thi thật và cho điểm thật”.

Bạn đọc tên An Hoa cũng chia sẻ và đặt ra câu hỏi cho các nhà quản lý giáo dục. "Kết quả của 5 năm cấp 1 sẽ là cơ sở xét vào lớp 6. Do đó, phụ huynh nào chả muốn con mình đạt danh hiệu HS giỏi càng nhiều càng tốt. Áp lực này làm lạm phát HS giỏi thôi. Và mọi phụ huynh đều phải biết điều, phải cho học thêm cô của con mình, để cuối năm được giỏi. Cần phải thay đổi cách tuyển sinh lớp 6!"

Chị Trần Thị Hồng Thảo lại đặt vấn đề tỷ lệ học sinh giỏi cao là thực hay không thực?

"Trong thời gian vừa qua có rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề tỷ lệ học sinh giỏi cao là thực hay không thực? Theo mình vấn đề ở chuẩn kiến thứcc từng cấp học, lớp học phải đạt được như thế nào thì được xem là giỏi hay khá, trung bình... Việc text để đánh giá thông qua các kỳ kiểm tra bài text có đủ để phân cấp thành các mức độ kiến thức theo chuẩn hay không?

Nhưng quan trọng hơn là khối lượng kiến thức và các điều kiện hỗ trợ để việc dạy và học là niềm vui, là quyết tâm của người học và người dạy để đạt được chuẩn đã đặt ra.

Chúng ta không nên so sánh ngày xưa tỷ lệ học sinh giỏi rất thấp còn bây giờ thì cao vì hiện nay điều kiện học tập đã khác trước có thể thế hệ trẻ đạt được là cao hơn trước nhưng có thể chỉ là thành tích ảo.

Vấn đề xây dựng chuẩn và thực hiện chuẩn một cách nghiêm túc thì vấn đề học sinh đạt được thành tích giỏi cao đó cũng là điều đáng mừng. Nhưng hiện nay lại đang là vấn đề đáng lo thì nên chăng chúng ta giải quyết vấn đề từ cái gốc".

H.Vi tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới