Đánh giá học sinh giỏi: Chưa dựa vào năng lực thật!

Tôi đã đọc bài “Lạm phát học sinh giỏi: Bệnh thành tích mà ra” trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 7-6. Tôi cho rằng những thông tin, số liệu thực tế được phản ánh qua bài viết là hết sức có ý nghĩa. Mặc dù còn có những quan điểm khác nhau nhưng theo tôi đó là sự phản ánh rất thật, rất đáng suy nghĩ.

Tại sao có người cho rằng việc lạm phát học sinh giỏi (HSG) là bình thường, có người lại cho rằng nó bất bình thường? Tôi nghĩ rằng: Việc phản ứng khác nhau của các cấp quản lý khi được hỏi về vấn đề mang tính xã hội rất cao này cũng là điều… bình thường khi mà mục tiêu, nội dung, phương pháp đánh giá việc học; cả thương hiệu, hình ảnh, vị thế của ngôi trường “chuẩn”, “điểm”, “top”… chưa có được thang đo chuẩn mực và khoa học.

Nhưng thôi, không bàn về thực trạng này nữa mà hãy cùng bàn về giải pháp để giải quyết thực trạng này. Trước hết, phải cùng quan điểm để nói lên rằng: Đây là vấn đề mang tính hệ thống; cần có sự nhìn nhận, thấu hiểu bản chất của câu chuyện giáo dục này từ các góc độ: từ trên xuống và từ dưới lên. Những người có trách nhiệm, thậm chí phải dẹp tự ái để thiện chí ngồi lại với nhau, nhìn nhận vấn đề một cách hệ thống, tổng thể để tìm giải pháp thay đổi cách giáo dục và đánh giá HS theo kiểu hiện nay, khi mà sự đánh giá HS chưa lấy cái gốc là năng lực thật, kiến thức thật, chất lượng thật.

Thay vì hô hào chỉ tiêu tuyệt đối, cần nghĩ ra các phương cách truyền lửa cho HS niềm say mê, hứng thú, tinh thần ham học hỏi. Ảnh: HTD

Thứ hai, qua bài báo tôi suy nghĩ khá nhiều đến nhận định của GS Văn Như Cương: “Ngành giáo dục đã phát động “Cuộc vận động nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong giáo dục” từ nhiều năm nay nhưng thiếu sự quyết tâm của toàn ngành giáo dục. Cần phải thực hiện nghiêm túc. Toàn ngành phải quyết tâm học thật, dạy thật, thi thật, cho điểm thật mới mong xóa được thực trạng đáng buồn trên”. Việc đưa ra chỉ tiêu “gần như tuyệt đối 98% rồi 99% HSG” để phấn đấu ở các lớp, các trường, các quận, các tỉnh/thành… liệu có cần thiết? Liệu có thể xem đó là kim chỉ nam để phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục? Theo tôi, thay vì hô hào chỉ tiêu tuyệt đối, chúng ta cần nghĩ ra các phương cách truyền cho HS niềm say mê, hứng thú, tinh thần ham học hỏi - cái mà những người tâm huyết với giáo dục thường nói với nhau là truyền lửa cho HS.

Thứ ba, cần sự công khai minh bạch của nhà trường. Để khẳng định với xã hội quyết tâm vì sự nghiệp giáo dục, tại sao các trường phổ thông không đưa ra một câu khẳng định nhiệm vụ (mission statement) của nhà trường như các tổ chức xã hội khác? Ngoài những chủ trương chung của Nhà nước và của ngành, mỗi trường nên có một câu khẳng định nhiệm vụ riêng, phù hợp với định hướng phát triển riêng trong hoàn cảnh, điều kiện riêng của mỗi trường.

Xin được trích dịch một câu khẳng định nhiệm vụ của một trường ở Mỹ: “Nhiệm vụ của Trường Tiểu học John F. Kenedy là cung cấp cho HS môi trường học tập an toàn, lý thú và đầy tình thương yêu. Nhà trường cam kết trang bị cho tất cả HS của mình khả năng đọc viết và nền tảng kiến thức vững vàng. HS trường J.F.K sẽ trở thành những công dân có trách nhiệm, có tư duy sáng tạo, có khả năng suy luận và có tinh thần học tập suốt đời.”(Trường Tiểu học John F. Kenedy, TP Santa Ana, hạt Orange, bang California). Rõ ràng ta chưa thấy con số chỉ tiêu HSG để phấn đấu nào trong bảng tuyên bố này.

TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM

 

Mời bạn đọc tham giadiễn đàn “Chống lạm phát học sinh giỏi”

Kết thúc năm học 2013-2014, ở nhiều địa phương rộ lên tình trạng lạm phát HSG. Lạm phát HSG làm phụ huynh, xã hội lo âu về chất lượng học tập “ảo” của con em mình. Tình trạng lạm phát HSG xuất phát từ nhu cầu của một số phụ huynh nhưng cái chính là bệnh thành tích trong không ít nhà trường còn quá nặng. Ngành giáo dục đã nhìn thấy căn bệnh này và đã phát động “Cuộc vận động nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong giáo dục” từ nhiều năm nay nhưng hầu như không mang lại hiệu quả.

Vậy theo bạn, cần phải làm gì để chống lại tình trạng lạm phát HSG? Báo Pháp Luật TP.HCM rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc xa gần.

Ý kiến xin gửi về địa chỉ: Tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM, 34 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM; email: baophapluat@phapluattp.vn (xin ghi rõ trên thư hoặc mail: “Ý kiến tham gia diễn đàn “Chống lạm phát học sinh giỏi””).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm