Làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo 4 huyện để mất gần 31.000 ha rừng

(PLO)- Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của bốn huyện ở Đắk Lắk bị kiểm điểm trách nhiệm vì liên quan đến việc để mất hơn 31.000 ha rừng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-4, nguồn tin của PLO cho biết Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Cảnh vừa ký văn bản thống nhất tổ chức cuộc họp kiểm điểm các cá nhân liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Công ty TNHH Trồng rừng 27-7 ở huyện Ea Súp để mất hơn 326 ha rừng. Ảnh: VŨ LONG
Công ty TNHH Trồng rừng 27-7 ở huyện Ea Súp để mất hơn 326 ha rừng. Ảnh: VŨ LONG

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh tham mưu UBND tỉnh tổ chức họp kiểm điểm đối với từng cơ quan, cá nhân.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng phê bình nghiêm khắc Chủ tịch UBND huyện Lắk, M’drắk, TP Buôn Ma Thuột vì chưa chấp hành nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh ở nội dung liên quan.

Về nội dung tổ chức kiểm điểm, các cá nhân có liên quan đến các sai phạm đã được các cơ quan Trung ương ban hành kết luận, trong đó có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo bốn huyện vì để mất rừng với diện tích rất lớn.

Phá rừng đang là vấn đề nóng, nhức nhối đang diễn ra ở huyện Ea Súp. Trong ảnh, hiện trường vụ hủy hoại gần 400 ha rừng ở xã Ya Tờ Mốt vào năm 2022. Ảnh: HT

Phá rừng đang là vấn đề nóng, nhức nhối đang diễn ra ở huyện Ea Súp. Trong ảnh, hiện trường vụ hủy hoại gần 400 ha rừng ở xã Ya Tờ Mốt vào năm 2022. Ảnh: HT

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Đông, nguyên Chủ tịch và ông Nguyễn Đình Toản, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp được xác định là người có liên quan đến khuyết điểm vì để mất hơn 16.180 ha rừng.

UBND tỉnh Đắk Lắk còn tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của ông Lê Thăng Long, nguyên Chủ tịch và ông Y Thắng Êban, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Ea Hleo vì liên quan đến việc để suy giảm hơn 3.358 ha rừng.

Kiểm điểm trách nhiệm của ông ông Lê Văn Long, Chủ tịch và ông Y Thức Êban Phó chủ tịch Krông Bông liên quan đến việc để suy giảm 2.625 ha rừng ở huyện này.

Tại huyện M'drắk để mất hơn 8.800 ha rừng, nhưng đến nay UBND huyện M'drắk chưa thực hiện rà soát, cũng như chưa cung cấp hồ sơ kiểm điểm theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm của ông Nguyễn Hoài Dương, giám đốc Sở NN&PTNT liên quan khuyết điểm trong công tác quản, bảo vệ và phát triển rừng.

Thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các công ty lâm nghiệp; qua đó, nghiêm túc phê bình và chấn chỉnh các chủ rừng trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Mất rừng với diện tích rất lớn

Theo Kiểm toán Nhà nước, từ năm 2006-2016 tỉnh Đắk Lắk để mất hơn 67.000 ha rừng tự nhiên. Còn theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ từ 2017-2020, rừng tự nhiên tỉnh này tiếp tục suy giảm thêm hơn 27.000 ha.

Trong số diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm, có hơn 8.300 ha chỉnh sửa dữ liệu từ rừng tự nhiên sang rừng trồng, đất chưa có rừng. Hiện nay, số diện tích này phần lớn đã được người dân trồng rừng thay thế.

Diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm chủ yếu tại các công ty TNHH MTV lâm nghiệp, gồm Ea H’mơ, Cư Mlan, Ya Lốp, Rừng Xanh (huyện Ea Súp). Hiện nay các công ty đã sáp nhập lại thành các Công ty TNHH cao su Phước Hòa và Công ty TNHH chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đắk Lắk.

Từ 2017-2020, diện tích rừng bị suy giảm ở các công ty nêu trên là hơn 10.600 ha.

Thực trạng đất ở các công ty nông, lâm nghiệp bị lấn chiếm diễn ra trong thời gian dài, quy mô lớn và trên diện rộng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa được các công ty và đơn vị chức năng tỉnh Đắk Lắk xử lý dứt điểm.

Thống kê từ các công ty lâm nghiệp ở Đắk Lắk bị người dân lấn chiếm hơn 75.2000 ha đất (từ năm 2000-2016).

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk tổng số tiền trồng rừng thay thế (theo các quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê 27 dự án) với số tiền hơn 70 tỉ đồng. Nhưng, cơ quan chức năng mới chỉ thu hồi được hơn 25,7 tỉ đồng (đạt 37% kế hoạch).

Đến nay còn tám dự án chưa nộp tiền trồng rừng thay thế với số tiền hơn 44,3 tỉ đồng, trong đó có bảy dự án từ 2016 đến nay chưa nộp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm