Gia đình tôi có trên 10 anh chị em, khi cha mẹ mất, không để lại di chúc, tài sản của cha mẹ gồm hai lô đất, một ngôi nhà ở dưới quê.
Các anh chị em của tôi, một số đang ở ngay ngôi nhà dưới quê, một số người đang ở nước ngoài, một số ở xa trong thành phố khác, tôi ở thành phố khác.
Các anh chị ở quê không chịu bán tài sản để chia cho mọi người. Tôi không thể thu xếp về quê để giải quyết vấn đề, tôi cần nên làm những bước thủ tục nào để nhận được phần tài sản do cha mẹ để lại?
Bạn đọc có địa chỉ mail ltu201...@gmail.com hỏi.
Khi ở xa, không thể về giải quyết tranh chấp chia di sản thừa kế thì có thể làm thủ tục ủy quyền cho luật sư hoặc người đại diện để tham gia tố tụng. Ảnh: NGUYỄN HIỀN |
Luật sư Nguyễn Tiến Hiểu, Đoàn luật sư TP.HCM, trả lời:
Theo quy định tại Điều 650 Bộ Luật dân sự 2015, khi người có tài sản chết mà không có di chúc thì tài sản do người chết để lại đó sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.
Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Trường hợp của bạn thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng các phần bằng nhau. Do đó, nếu như bạn và các anh, chị, em, ông, bà (nếu còn sống) của bạn không thể thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được thì các bên có quyền khởi kiện đến tòa án nơi có bất động sản để yêu cầu tòa án giải quyết việc phân chia di sản thừa kế do cha, mẹ bạn để lại.
Thời hiệu yêu cầu phân chia di sản thừa kế là 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế.
Vì có một số anh, chị, em của bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất đang sinh sống ở nước ngoài nên thẩm quyền sẽ do tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo khoản 3, Điều 35, Bộ Luật tố tụng dân sự 2015.
Trong quá trình giải quyết vụ án, tòa án sẽ thực hiện các thủ tục tố tụng đến những người có quyền và nghĩa vụ liên quan để lấy ý kiến. Khi đó, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án mà có yêu cầu được chia di sản thừa kế thì tòa án sẽ giải quyết luôn trong vụ án. Trường hợp những người này không có ý kiến hoặc vì lý do nào đó mà không lấy được ý kiến của họ thì tòa án vẫn giải quyết đối với yêu cầu phân chia di sản thừa kế, phần thừa kế của những người còn lại sẽ được tạm giao cho người đang sống trong nước quản lý, sau này khi có yêu cầu sẽ được giải quyết.
Trong trường hợp bạn không thể thu xếp về quê để giải quyết vấn đề thì bạn chỉ cần làm đơn khởi kiện và ký vào, sau đó, bạn có thể làm thủ tục ủy quyền cho luật sư hoặc người đại diện thực hiện các thủ tục tố tụng của vụ án tranh chấp di sản thừa kế.