Đã ly hôn, có được nhận tài sản thừa kế từ cha mẹ chồng cũ?

(PLO)- Bạn đọc hỏi khi đã ly hôn với chồng, cha mẹ chồng cũ để lại di chúc cho tài sản thì có được nhận hay không? 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tôi và chồng đã ly hôn 2 năm nay. Sau khi ly hôn tôi vẫn qua lại chăm sóc, thăm hỏi cha mẹ chồng. Chồng tôi đã có gia đình mới. Trước khi mất, bố mẹ chồng có di chúc để lại cho tôi một phần tài sản. Hiện tại, các con của ông bà không cho tôi nhận di sản trên vì tôi không còn là con dâu trong gia đình. Tôi xin hỏi tôi có được hưởng di sản cha mẹ chồng cho theo di chúc hay không? Nếu được nhận thì làm sao để tôi nhận được di sản đó?

Bạn đọc Thanh Hồng (Biên Hòa, Đồng Nai), hỏi

Cha mẹ chồng để lại di chúc cho người con dâu cũ được hưởng một phần di sản của họ mà di chúc đó được lập một cách hợp pháp thì pháp luật phải công nhận.

Cha mẹ chồng để lại di chúc cho người con dâu cũ được hưởng một phần di sản của họ mà di chúc đó được lập một cách hợp pháp thì pháp luật phải công nhận.

Luật sư Nguyễn Tiến Hiểu, Đoàn luật sư TP.HCM, trả lời:

Theo quy định của Bộ Luật dân sự 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc có các quyền như: Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; phân định phần di sản cho từng người thừa kế….

Di chúc được lập dưới các hình thức như di chúc bằng văn bản; di chúc miệng. Một di chúc được xem là hợp pháp khi di chúc có đủ các điều kiện như sau: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Trong trường hợp của bạn, nếu cha mẹ chồng để lại di chúc cho bạn được hưởng một phần di sản của họ mà di chúc đó được lập một cách hợp pháp thì đó chính là ý chí của cha mẹ bạn, pháp luật sẽ công nhận ý chí đó. Người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế và phân định phần di sản cho từng người thừa kế (theo Điều 626, Bộ luật Dân sự 2015).

Do đó, những người con của cha, mẹ chồng không có quyền tước đoạt quyền nhận di sản thừa kế của bạn. Trong trường hợp những người này cản trở việc nhận di sản của bạn thì bạn có quyền khởi kiện những người này đến tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm