Làm sao để vi bằng trở thành chứng cứ?

(PLO)- Tại hội thảo, các thừa phát lại trao đổi về vấn đề vi bằng sẽ trở thành chứng cứ khi nào; đồng thời đề xuất thừa phát lại được cưỡng chế thi hành án…

Ngày 5-10, Học viện Tư pháp (cơ sở TP.HCM) tổ chức hội thảo khoa học về “Một số vấn đề khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của thừa phát lại trong giai đoạn hiện nay”.

Hội thảo được tổ chức với hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm trao đổi giữa các thừa phát lại (TPL), giảng viên…

Từ nguồn chứng cứ thành chứng cứ

Phát biểu tham luận tại hội thảo, TPL Nguyễn Minh Đức (Văn phòng TPL Đồng Nai) trình bày một trong những nguồn chứng cứ để tòa án xem xét theo quy định là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập theo khoản 8 Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự. Dẫn chiếu đến Nghị định 08/2020 về tổ chức và hoạt động của TPL quy định vi bằng là một trong những nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật.

p6-anh-bai-vibang-quy.jpg
Toàn cảnh buổi hội thảo về số vấn đề khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của thừa phát lại tại Học viện Tư pháp (cơ sở TP.HCM). Ảnh: SONG MAI

TPL Nguyễn Minh Đức cho rằng để vi bằng có giá trị chứng cứ thì nó phải bảo đảm được các thuộc tính như tính khách quan (nội dung ghi nhận của vi bằng phải là những gì có thật…), tính liên quan (phải bao gồm các tình tiết, sự kiện có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến vụ việc…), tính hợp pháp (phải được thu thập, bảo quản, xem xét, đánh giá, nghiên cứu theo trình tự, thủ tục luật định…).

Khi bảo đảm được những yếu tố trên thì vi bằng sẽ trở thành chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật và là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Trao đổi về vấn đề này, TPL Hoàng Đức Hoài cho rằng nếu xem vi bằng là chứng cứ thì phải bảo đảm các thuộc tính của chứng cứ như tính khách quan, hợp pháp, liên quan. Thế nhưng thử đặt ra tình huống người vợ nghi chồng ngoại tình nên lấy điện thoại của người chồng để lấy tin nhắn, video làm bằng chứng và chuyển sang điện thoại của người vợ để lập vi bằng. Trong trường hợp này, việc lập vi bằng nội dung trên điện thoại của người vợ nhưng nguồn gốc của nội dung lập vi bằng lại trái pháp luật, xâm phạm bí mật đời tư.

Còn theo TPL Nguyễn Tiến Pháp (Trưởng Văn phòng TPL Sài Gòn), nếu nói vi bằng là nguồn chứng cứ hay chứng cứ thì cũng là một cách định nghĩa. Và nếu vi bằng là chứng cứ phải bảo đảm các thuộc tính của chứng cứ để tòa án sử dụng vào việc giải quyết vụ án.

Ông Pháp cho rằng rất khó xác định vi bằng là chứng cứ hay nguồn chứng cứ. Ông Pháp đồng tình với quy định vi bằng có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án trong Nghị định 61/2009 về tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại TP.HCM (đã được thay thế bởi Nghị định 08/2020/NĐ-CP). Như vậy, không khẳng định vi bằng là nguồn chứng cứ hay chứng cứ.

Đề xut cho phép thừa phát lại cưỡng chế thi hành án

Cũng tại hội thảo, trình bày tham luận về khó khăn, vướng mắc của TPL trong hoạt động tổ chức thi hành án (THA) dân sự, TPL Phạm Xuân Thanh (Văn phòng TPL quận 8, TP.HCM) cũng trình bày một số kiến nghị.

Trong đó, ông Thanh kiến nghị bổ sung chức năng THA theo đơn yêu cầu của TPL trong các bản án, quyết định của tòa án. Vì hiện nay, tòa án vẫn chưa ghi rõ trong bản án, quyết định cho đương sự biết về quyền yêu cầu TPL THA; không thực hiện việc chuyển giao bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật cho văn phòng TPL nên người được THA không biết đến việc có thể liên hệ văn phòng TPL để yêu cầu tổ chức THA cho mình. Vì vậy, cần bổ sung vào bản án, quyết định về dân sự nội dung: “Sau khi bản án, quyết định này có hiệu lực thi hành, các đương sự có quyền yêu cầu cơ quan THA dân sự hoặc văn phòng TPL tổ chức thực hiện”.

Cạnh đó, TPL Phạm Xuân Thanh cho rằng cũng cần cho phép TPL áp dụng các biện pháp cưỡng chế THA theo đơn yêu cầu ở dạng có điều kiện “một khoản tiền bảo đảm cho yêu cầu THA” và chủ thể thực hiện là văn phòng TPL. Cụ thể, trước mỗi yêu cầu THA của khách hàng mà phải áp dụng biện pháp cưỡng chế THA thì người đại diện theo pháp luật của văn phòng TPL phải đóng một khoản tiền bảo đảm vào ngân hàng để bảo đảm cho việc THA, nếu có thiệt hại cho khách hàng thì sử dụng khoản tiền đó để bồi hoàn, bồi thường. Việc làm này cũng nâng cao được trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, bảo đảm xử lý trường hợp có xảy ra thiệt hại cho khách hàng do lỗi trực tiếp của TPL, tránh trường hợp khiếu nại, khởi kiện.

Do vậy, cần cho phép TPL được áp dụng các biện pháp cưỡng chế THA và tổ chức THA trong những trường hợp cưỡng chế huy động lực lượng tham gia. TPL và văn phòng TPL phải chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật. Từ đó, việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của TPL mới mang lại hiệu quả và đóng góp vào công tác THA dân sự.•

Thừa phát lại chia sẻ công việc thi hành án

Hiện nay, số lượng việc, tiền hằng năm tại cơ quan THA tăng, tính chất vụ việc qua từng năm càng ngày phức tạp; một số vụ án có số lượng người được THA lớn nên việc tống đạt quyết định THA sẽ tốn nhiều thời gian, công sức…

Vì vậy, cơ quan THA cũng cần có sự chia sẻ của TPL. Nếu đội ngũ TPL phát triển sẽ tổ chức THA. Tại các nước châu Âu hiện nay gần như chuyển hết hoạt động THA cho TPL và cơ quan THA chỉ THA các khoản cho nhà nước, đại án kinh tế tham nhũng…

Ông NGÔ MINH THUẬN, giảng viên thỉnh giảng tại Học viện Tư pháp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm