Cuộc chiến chống tin giả mùa dịch - Bài 2

Làm sao tấn công 'infodemic' về SARS-CoV-2?

Trong bối cảnh đại dịch bùng phát tại TP.HCM, có ba vấn đề rất dễ “mẫn cảm” với tin giả: (i) Lòng tin của người dân với tính hiệu quả của chính sách chống dịch; (ii) Sự an tâm của người dân về y tế (vaccine, chữa bệnh, cấp cứu), hệ thống sinh kế (ăn ở, thu nhập…); (iii) Sự chia sẻ với những người xung quanh. Đại dịch tin giả (infodemic) có thể sinh ra tâm lý hoài nghi, chống đối; không tuân theo khuyến cáo y tế; đố kỵ và so bì, gây nguy hiểm đối với sự an toàn, sức khỏe của mỗi cá nhân và đe dọa nỗ lực của Chính phủ, hệ thống y tế.

Lập lực lượng chống tin giả về dịch bệnh

Giải pháp quan trọng và cấp bách nhất lúc này chính là TP.HCM phải xây dựng một lực lượng truyền thông chống dịch (communications task force - CTF). Nhóm này bao gồm các chuyên gia am hiểu tình hình dịch bệnh như y tế, chính sách công, đời sống - xã hội; pháp luật; công nghệ; sáng tạo trong báo chí - truyền thông. Mục tiêu là tiếp nhận, phản ứng nhanh với thông tin về dịch.

Áp phích tuyên truyền người dân đeo khẩu trang, không đưa tin sai sự thật trong mùa dịch ở quận 1, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thứ nhất, CTF thiết lập một mô hình có thể sàng lọc, phân loại các loại thông tin giả. Ví dụ, các tin giả theo kiểu “có người tự thiêu ở Thủ Đức vì chính sách chống dịch của chính quyền”… là điển hình của nhóm tin giả bôi nhọ, kích động, làm mất lòng tin vào chính sách của chính quyền. Tin giả “nhiều thi thể chết vì COVID-19 đang xếp hàng dài tại TP.HCM”, “tiêm vaccine Trung Quốc sẽ bị điều khiển”… thuộc nhóm gieo rắc sợ hãi...

Thứ hai, CTF đưa ra các phương án phòng chống tin giả với từng nhóm đối tượng thông tin. Ví dụ, với nhóm tin giả nguy cơ cao có thể tạo ra các khủng hoảng diện rộng (làn sóng bạo lực, phản đối chính sách đe dọa an ninh trật tự; tẩy chay vaccine…), TP phải dùng mọi biện pháp cứng rắn nhất để ngăn ngừa, xử lý (phạt hành chính, hình sự, cấm dùng mạng xã hội...).

Thứ ba, CTF cần phối hợp với các bên (báo chí, công ty mạng xã hội, công an, người dân, các cơ quan, ban, ngành liên quan) để tối ưu hóa hiệu quả chống tin giả. Trong đó, báo chí đóng vai trò quan trọng trong cung cấp thông tin, giáo dục nhận thức, định hướng thông tin. Mạng xã hội buộc phải tăng cường kiểm duyệt thông tin (tăng người/công nghệ đánh giá, xếp hạng và cảnh báo người dùng) cùng chế tài người tung tin giả (ví dụ Facebook, YouTube khóa tài khoản cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump). Công an (nhất là lực lượng an ninh mạng) khẩn trương điều tra, truy vết, tìm ra các cá nhân, tổ chức đứng sau việc tung tin giả để xử lý; cảnh báo với người dân. CTF cũng cần có các kênh tiếp nhận phản ánh từ mọi người, tốt nhất là thông qua chính các nền tảng mạng xã hội.

 
Làm sao tấn công 'infodemic' về SARS-CoV-2? ảnh 2
 

Chính quyền cần có vaccine ngừa “virus tin giả”

Trong đại dịch, nhu cầu tin tức rất lớn. Tin tức từ chính quyền càng nhanh, chính xác, đầy đủ thì tự ắt đất sống cho tin giả bị thu hẹp lại. Hiện nay có những sự việc đã xảy ra, thậm chí thông tin xuất hiện trên mạng xã hội nhưng thông tin từ phía chính quyền không đuổi kịp. Nó tạo ra không gian để tin đồn thổi, hoài nghi, tin thất thiệt xuất hiện và lan tỏa. Vì vậy, chính quyền phải xem việc cung cấp thông tin kịp thời cho người dân giống như vaccine - “tiêm chủng” kịp thời, đủ liều thì tự ắt virus tin giả sẽ khó gây bệnh, lây bệnh; nếu có thì hậu quả cũng đủ “đề kháng” để tránh được khủng hoảng xấu nhất.

Nhà báo LƯƠNG NGUYỄN AN ĐIỀN

Tam giác “Người dân - Chính phủ - mạng xã hội”

Dịch bệnh sẽ còn kéo dài, mô hình chống tin giả mùa dịch vì thế cũng phải dài hơi. Một số nghiên cứu, điển hình như của hai chuyên gia Kris Hartley và Vũ Minh Khương (trên website Trung tâm Thông tin công nghệ sinh học Quốc gia của Mỹ - NCBI), gợi ý một số nội dung mà Việt Nam có thể tham khảo.

Thứ nhất, phải có giải pháp để người dùng Internet ngày càng dễ dàng nhận biết, đánh giá hoặc phân tích thông tin trong thời đại mạng xã hội. Bản thân họ nên được tham gia các khóa đào tạo cần thiết (hiểu biết về truyền thông, tư duy và kỹ năng phản biện tin tức); được cung cấp các công cụ phân tích tin tức, đánh giá thông tin, trang web (công nghệ, ứng dụng thông minh).

Bên cạnh đó, các công ty mạng xã hội (như Facebook, YouTube…) cũng phải vào cuộc bằng nhiều cách: Điều chỉnh các thuật toán phức tạp nhằm tăng khả năng cảnh báo tin giả; không tạo cơ hội phát tán đối với thông tin đến từ các tài khoản ẩn danh, không rõ lai lịch, thân thế hoặc hoạt động bằng “giấy tờ giả”…

Về phía Chính phủ, cần phải phổ biến các văn bản hướng dẫn cũng như các quy định về trách nhiệm của mạng xã hội trong chống tin giả. Cần thiết phải có các biện pháp chế tài với mạng xã hội như châu Âu đã làm. Chính phủ cũng nên khuyến khích và kêu gọi nguồn lực vào các nghiên cứu tác hại tin giả đến đời sống - xã hội mùa dịch. Các nghiên cứu này một mặt ứng dụng vào việc giáo dục nhận thức cho người dân, mặt khác giúp Chính phủ có cơ sở vạch ra các chiến lược truyền thông để ứng phó trong bối cảnh đại dịch.

 

Quy tắc I’M VAIN

Mỗi cá nhân cần có năng lực thẩm định thông tin (news literacy) để tránh sập bẫy tin giả. Thứ nhất, đánh giá tính độc lập của nguồn tin (Independent). Các thông tin xuất phát từ người không bị tác động, chi phối có thể đáng tin hơn. Thứ hai, cần chú ý tính đa chiều trong tiếp nhận thông tin (Multiple). Ví dụ, khi mới có dịch, một số người chia sẻ tin đồn “nhiều người chết ở TP.HCM” trên Facebook. Rất nhiều người đã tin, chia sẻ mà bỏ qua thông tin từ cơ sở y tế.

Thứ ba, thông tin phải được xác tín (Verify). Quan trọng nhất khi tiếp nhận là nhìn thấy được chứng cứ khách quan (dữ liệu, con số, hình ảnh…). Tuy nhiên, nhiều thông tin làm giả chứng cứ, mạo danh (cơ quan y tế, chuyên gia…). Vì vậy, các chứng cứ cần được xem xét cẩn thận về nguồn gốc, độ tin cậy.

Thứ tư, nguồn tin phải chính danh (Authoritative/Informed). Ví dụ, nếu đọc được bình luận về dịch tễ học từ một nhà khoa học hàng đầu thế giới về ngành khác (thiên văn học, vật lý học…) thì người dùng mạng xã hội cũng phải hết sức thận trọng trong việc tiếp nhận, kiểm chứng, đặt niềm tin. Cuối cùng, phải xác định được danh tính thật của người phát ngôn (Named). Tuyệt đối không tin vào các cụm từ có vẻ sành điệu như “trên mạng nói”, “nghe báo chí nói”...

Nhà báo LƯƠNG NGUYỄN AN ĐIỀN, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á -
Yusof Ishak (Singapore)

Cần phải có môn học về thẩm định thông tin

Tôi cho rằng giải pháp căn cơ lâu dài là phải giúp người dân, nhất là thanh thiếu niên, có thể đánh giá độ tin cậy của thông tin trong thời đại số. Thực tế qua làm việc tại TP.HCM, các hoạt động giảng dạy thẩm định thông tin còn manh mún, chưa chính quy. Thậm chí có nhiều sinh viên còn không biết đâu là một trang báo, đâu là những trang thông tin tổng hợp. Vậy nên cần học các nước đi đầu về dạy các khóa học News Literacy, ví dụ Phần Lan, Mỹ. Một số bang tại Mỹ còn có luật riêng về việc này. Việt Nam cần sớm đưa môn học này vào chương trình phổ thông cho đến đại học, tùy cấp độ mà phân bổ nội dung.

Năm 2020, dự án “Cuộc chiến chống tin giả - Những ý tưởng sáng tạo và giải pháp hiệu quả” của Thông tấn xã Việt Nam đã giành chiến thắng ở hạng mục Best Project for News Literacy trong khuôn khổ Giải thưởng Truyền thông Digital châu Á của WAN-IFRA. Tổ chức này về sau luôn đưa hạng mục “News Literacy” vào danh sách giải thưởng. Điều đó phần nào cho thấy các tờ báo cần phải tăng cường các sáng kiến và quyết liệt hơn trong chống tin giả.

Ông QUÁCH CẢNH TOÀN, cố vấn dự án News Literacy tại TP.HCM

Các cơ quan báo chí phải chung tay

Nhiều trường hợp, báo chí hoặc thậm chí cơ quan quản lý cũng không kiểm định kỹ lưỡng thông tin. Mới đây, Trung tâm Chống tin giả (VAFC) của Bộ TT&TT đưa tin bác bỏ tin giả “tấm ảnh nhiều người chết vì COVID-19 là ở tại TP.HCM”. VAFC cho rằng đây là hình ảnh tại Indonesia và một số tờ báo đã đưa lại thông tin từ VAFC. Trong khi chính xác bức ảnh đến từ Myanmar. Mặc dù VAFC đã cập nhật nhưng sự việc như vậy có thể làm suy giảm niềm tin của người dân vào báo chí, tạo “đất sống” cho tin giả.

Các tòa soạn phải nhận thức đúng về sự nguy hiểm của tin giả, nhất là về dịch bệnh. Không nên chỉ nhắm vào các tin giả “ăn view”, báo chí cần làm một cách có hệ thống và lâu dài. Người làm báo về dịch bệnh phải có kiến thức về vấn đề này để tránh bị các lỗi sai nghiêm trọng; đồng thời được trang bị kiến thức, công cụ, công nghệ để kiểm chứng, xác thực thông tin. Giữa các PV, thậm chí các cơ quan báo chí nên chia sẻ về vấn đề tin giả để cùng nhau chống lại. Những việc này đã được một số tờ báo nước ngoài làm, chúng ta nên học hỏi.

ANH THƯ, quản lý dự án Intensive News Literacy
tại Tổng lãnh sự quán Mỹ năm 2019

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm