Tung tin giả, cấp giấy đi đường khống...: Phải xử nghiêm!

Cả nước đang gồng mình chống dịch. Số ca nhiễm tăng mỗi ngày. Để phòng chống dịch đạt hiệu quả hơn, từ 0 giờ hôm nay (19-7), 16 tỉnh, thành phía Nam (ngoài những tỉnh, thành đã áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng trước đó là TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương) áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong vòng 14 ngày.

Lợi dụng bối cảnh nỗi bất an bao trùm, nhiều người đã tung tin giả về dịch bệnh, đầu cơ hàng hóa, cấp giấy thông hành khống…

Tung tin giả, hậu quả thiệt

Ngày 13-7, một đoạn tin nhắn lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội (MXH) với nội dung: “Em rể của chị trong nhóm Đại học Sư phạm là bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện đang ở Bệnh viện dã chiến số 2, nhắn về Sài Gòn không thua gì Ấn Độ, dặn người trong nhà lo trữ thêm đồ ăn”.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ người dân ra đường theo Chỉ thị 16 tại công viên Gia Định, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Sau đó, MXH xuất hiện hàng loạt thông tin lock down TP.HCM 15 ngày. Dù Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã kịp thời khẳng định đó là thông tin sai sự thật nhưng người dân vẫn “rồng rắn” xếp hàng, đợi chờ nhiều tiếng đồng hồ để có thể được vào siêu thị mua thực phẩm về tích trữ. Thậm chí một số mặt hàng thiết yếu còn tăng giá.

ThS Lê Nhật Bảo, giảng viên Khoa luật thương mại Trường ĐH Luật TP.HCM, nhận định: Trong khi cả hệ thống đang vào cuộc quyết liệt để phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả thì chỉ cần vài hành động không đúng chuẩn mực, trái pháp luật cũng có thể khiến bản thân người vi phạm, gia đình và cả xã hội lãnh những hậu quả đáng tiếc.

Cá nhân tung tin giả về dịch bệnh lên MXH sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020 với mức phạt 5-10 triệu đồng (tổ chức mức phạt gấp đôi) do có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

“Nghiêm trọng hơn, hành vi tung tin giả nhằm mục đích trục lợi bất chính, gây dư luận xấu hay gây thiệt hại cho xã hội hoàn toàn có thể bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, theo Điều 288 BLHS 2015 với mức phạt tối đa lên đến bảy năm tù. Thực tế đã có rất nhiều người bị xử phạt” - ThS Nhật Bảo lưu ý.

Đầu cơ hàng hóa, coi chừng bị xử hình sự

Hậu quả kép của việc tung tin giả về dịch bệnh COVID-19 là việc một số cá nhân gom hàng từ siêu thị để bán ra ngoài hưởng lợi. Từ đây dẫn đến việc một số mặt hàng siêu thị bị thiếu hụt trong một khoảng thời gian, gây bức xúc cho người dân.

Về mặt pháp lý, luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Hành vi gom hàng ở siêu thị đem ra ngoài bán hưởng lợi bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 31 Nghị định 98/2020.

Mức phạt sẽ từ 5 triệu đến 100 triệu đồng tùy vào giá trị hóa đơn gom hàng và số tiền thu lợi bất chính. Cá nhân vi phạm còn bị xử phạt bổ sung và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số tiền đã thu lợi bất chính (tổ chức mức phạt gấp đôi).

Nghiêm trọng hơn, hành vi đầu cơ hàng hóa có thể bị xử lý hình sự về tội đầu cơ theo Điều 196 BLHS. Theo đó, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh… để mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính sẽ bị xử lý về tội này.

Tùy vào giá trị đơn hàng để gom bán ra ngoài cũng như số tiền thu lợi được mà người vi phạm sẽ bị mức phạt tương ứng, tối đa có thể lên đến 15 năm tù trong trường hợp thu lợi bất chính trên 1 tỉ đồng…

Pháp nhân thương mại vi phạm sẽ bị xử lý cũng theo tội trên với mức phạt tối đa có thể lên đến 9 tỉ đồng và bị cấm kinh doanh.

Lãnh đạo phải gương mẫu, không được lạm quyền

Con gái của ông giám đốc Hợp tác xã Môi trường Phú Nhuận Nguyễn Đăng Thanh đã xin cha ký giấy thông hành, loại giấy để chứng minh việc ra đường là hợp lý, tránh việc bị lực lượng chức năng xử phạt. Dù cô này không phải là thành viên hợp tác xã, không thể được cấp giấy xác nhận nhưng ông Thanh vẫn ký cấp cho con gái và cho cả con rể. Sự việc bị phát hiện khi con gái ông khoe lên MXH.

PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, nhận định: Đây là một hành vi vi phạm ít phổ biến hơn nhưng cũng đã xảy ra trong thời gian gần đây. Khi áp dụng Chỉ thị 16, mọi người ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, đi cấp cứu. Nếu cố tình ra đường không có lý do chính đáng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 triệu đến 3 triệu đồng theo Nghị định 117/2020.

“Lãnh đạo từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải gương mẫu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; thực hiện tốt chức trách được giao, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng; quán triệt cho từng cán bộ, nhân viên nghiêm chỉnh chấp hành. Việc lợi dụng, lạm quyền cấp khống giấy thông hành rất đáng lên án và cần phải bị xử lý nghiêm. Ngoài việc bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính thì người này hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356 BLHS, khung hình phạt có thể lên đến 15 năm tù) trong trường hợp người được cấp giấy thông hành khống đi ra đường làm lây lan dịch bệnh cho xã hội” - PGS Hồng Nhung nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm