Trong thời điểm CSGT cả nước ra quân kiểm tra xe cơ giới mà không cần vi phạm lỗi giao thông thì bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bảo hiểm) đang được rất nhiều người quan tâm và tìm mua (xem thêm bài “Cẩn thận với bảo hiểm xe máy 2 năm” trên Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 18-5).
Tuy nhiên, quyền lợi của việc mua bảo hiểm này lại là vấn đề đang gặp nhiều tranh cãi.
Băn khoăn lợi ích bồi thường bảo hiểm
Mặc dù hiện tại nhiều người ráo riết tìm mua bảo hiểm xe máy nhưng quan điểm về việc này lại rất khác nhau. Theo tìm hiểu, dù theo quan điểm nào thì khi nói về quyền lợi, lợi ích của bảo hiểm xe máy, hầu hết người dân đều không nắm rõ.
Anh Lê Quốc Tuấn (thành viên của nhóm CLB Grab Sài Gòn) cho hay: “Trước nay tôi không quan tâm việc mua bảo hiểm bởi có mua rồi gặp tai nạn thì cũng không biết cách nào để nhận bồi thường. Tôi nghĩ nếu có làm thủ tục để được bồi thường thì cũng rất mệt mỏi. Thà bị cảnh sát phạt 200.000 còn hơn mua bảo hiểm mà không biết quyền lợi là gì”.
Trong khi đó, anh Trương Tùng lại bày tỏ quan điểm: “Mua bảo hiểm giá 60.000-70.000 đồng còn hơn để CSGT phạt 100.000-200.000 đồng. Thú thật tôi mua để tránh bị phạt chứ cũng không hy vọng được bồi thường nếu có tai nạn xảy ra. Số tiền mua ít ỏi nên tôi cũng không quan tâm quyền lợi lắm”.
“Tôi nghĩ việc ra quân lần này của CSGT chỉ là đợt tổng kiểm tra người dân tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Còn quy định về bảo hiểm trách nhiệm dân sự là loại hình bắt buộc, nếu người dân vi phạm thì bị xử phạt là điều tất nhiên” - chị Hà Hòa Bình (quận 3, TP.HCM) nêu quan điểm.
Nhiều người tìm mua bảo hiểm trong thời điểm CSGT ra quân kiểm tra các xe cơ giới mà không cần phạm lỗi. Ảnh: THY NHUNG
Cần hiểu rõ bản chất bảo hiểm xe máy
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Khắc Xuân (CEO Công ty TNHH Tư vấn bảo hiểm InFair) cho biết: “Bảo hiểm trách nhiệm dân sự có ý nghĩa là phía bảo hiểm sẽ trả cho chủ xe số tiền mà chủ xe đã bồi thường cho nạn nhân (gọi là bên thứ ba) trong vụ tai nạn giao thông. Nhiều người cho rằng mua bảo hiểm này không có ý nghĩa gì cả nhưng trên thực tế là họ đã kiện đòi bồi thường hay chưa”.
Ông Xuân phân tích thêm, trong trường hợp chủ xe không may qua đời sau tai nạn thì bên bảo hiểm sẽ đứng ra thay chủ xe để bồi thường cho bên thứ ba. Mức tối đa bồi thường khi tai nạn có thiệt hại về mặt tài sản là 50 triệu đồng/vụ.
Ví dụ như lái xe gây tai nạn với một xe hay 10 xe thì tổng số tiền bồi thường là 50 triệu đồng nhưng một năm thì không hạn chế số vụ tai nạn.
Ngược lại, thiệt hại về người là 100 triệu đồng/người. Nghĩa là nếu tai nạn một người chết thì được bảo hiểm chi trả cho người thân người đó 100 triệu đồng. Nếu chết ba người thì là 300 triệu đồng và cũng không hạn chế số vụ.
Để đảm bảo quyền lợi, người mua bảo hiểm nên gọi ngay vào đường dây nóng của công ty bảo hiểm khi trường hợp chẳng may gây tai nạn. Đây là cách để bảo vệ tài chính của mình và bảo vệ cả người thứ ba.
TS Phan Phương Nam, giảng viên ĐH Luật TP.HCM, nhận định: Trên thực tế, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm. Điều kiện bồi thường bảo hiểm cũng phải tuân theo các nội dung trong hợp đồng bảo hiểm.
Còn việc tranh chấp bảo hiểm khi xảy ra sự kiện thì lỗi ở nhiều phía.
Lỗi thứ nhất: Cơ chế quản lý của Nhà nước không quản lý tốt các doanh nghiệp bảo hiểm, dẫn đến doanh nghiệp trốn tránh nghĩa vụ.
Lỗi thứ hai: Cơ chế nhà nước bảo vệ người dân như thế nào? Vai trò của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng ra làm sao khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm đó mà lại rơi vào trường hợp bị từ chối?
Lỗi thứ ba là từ phía người dân. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm thì người dân lại muốn giải quyết nhanh chóng vụ tai nạn bằng tiền cho xong. Từ đó dẫn đến không có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh được rằng trong trường hợp này mình có gây thiệt hại cho người thứ ba, có bồi thường cho người thứ ba. Người dân chỉ đề cao vấn đề sử dụng bảo hiểm đó chỉ khi nào gây nên tai nạn nghiêm trọng.
Về vấn đề trên, đại diện Công ty CP Bảo hiểm bưu điện (PTI) cho biết: “Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, việc bồi thường cho người được bảo hiểm sẽ được thực hiện 10-15 ngày, tùy theo tính chất vụ việc. Tuy nhiên, hiện nay người dân thường thiếu một số loại hồ sơ, hóa đơn, chứng từ đầy đủ, ví dụ như người dân thường thiếu giấy khám chữa bệnh, hóa đơn y tế gốc…”.
Loạn giá bảo hiểm xe máy Ghi nhận thực tế của PV cho thấy có nhiều loại giá bảo hiểm trách nhiệm dân sự đang được các đại lý bảo hiểm rao bán trên thị trường hiện nay. Cụ thể, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội: Giá hiển thị trên phiếu là 66.000 đồng, giá bán 60.000 đồng; Công ty CP Bảo hiểm quân đội (Mic) giá 65.000 đồng, bán 60.000 đồng; Công ty Bảo hiểm Pijico giá 66.000 đồng, bán 65.000 đồng… Theo quy định của luật hiện hành, mức giá tối thiểu của bảo hiểm trách nhiệm dân sự là 60.000 đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể đưa ra mức chuẩn cao hơn kèm theo đó là những lợi ích kèm theo. Luật chỉ quy định đây là mức tối thiểu, bộ khung mà thôi, nghĩa là doanh nghiệp không được thấp hơn. Dựa trên điều kiện của doanh nghiệp bảo hiểm, các yêu cầu mà công ty đưa ra giá cao hơn thì mức bồi thường cũng theo đó sẽ cao hơn. 6 giấy tờ cần thiết để được bồi thường bảo hiểm Theo đại diện Công ty CP Bảo hiểm bưu điện (PTI), để được hưởng bồi thường bảo hiểm xe máy, người dân cần lưu giữ đủ sáu loại giấy tờ sau: - Mẫu đơn đòi bảo hiểm tai nạn cá nhân hoàn chỉnh, có chữ ký hợp lệ. - Các hóa đơn y tế gốc cùng với chi tiết về các chi phí y tế phát sinh. - Các giấy chứng nhận y tế liên quan tới việc điều trị/nhập viện và khoảng thời gian mất khả năng. - Biên bản báo cáo chính thức về vụ tai nạn, tức là biên bản tai nạn, biên bản của cảnh sát có xác nhận của cảnh sát, trạm cảnh sát hoặc cơ quan chức trách địa phương có liên quan tại hiện trường vụ tai nạn. - Bản sao giấy chứng tử (nếu khiếu nại liên quan tới bất kỳ thương vong nào). - Chứng từ chứng minh mối quan hệ của bên thụ hưởng/xác nhận quyền thừa kế hợp pháp (nếu khiếu nại liên quan tới bất kỳ thương vong nào). |