“Thật sự tôi không thích được gọi là thần đồng, có khác chăng chỉ là tôi nằm trong số các đứa trẻ chăm chỉ hơn các bạn cùng trang lứa. Tôi chỉ cố gắng làm tốt nhất, thể hiện tốt nhất ở mức có thể trong việc học, viết sách, làm từ thiện hay công tác xã hội mà thôi” - Mikhail Samarsky nói.
Nền tảng gia đình vững chắc
. Ba mẹ bạn đã giúp đỡ bạn nhiều trong việc sáng tác cũng như trong các hoạt động xã hội?
+ Mikhail Samarsky: Ba mẹ tôi là những người sáng tác văn chương nên là những người thầy đầu tiên của tôi trong việc viết văn. Khi tôi chưa biết đọc biết viết, mẹ tôi đã bày ra những trò chơi mang tính sáng tác như mẹ làm một câu thơ trẻ con, tôi làm câu tiếp theo. Khi tôi biết đọc, đi học, ba mẹ luôn nhắc nhở, khuyến khích, thậm chí có thể ép buộc tôi đọc nhiều sách và tôi cũng thấy thích thú với việc đọc sách. Còn bà tôi thì lại là một nhà cổ ngữ học, thường xuyên sử dụng cổ ngữ trong nhà hằng ngày nên nó thấm vào người để tôi có sẵn một vốn cổ ngữ khi viết. Đó là những ảnh hưởng gia đình trong khả năng viết của tôi, song với những sáng tác cụ thể của tôi thì bố mẹ tôi không can thiệp hay chỉnh sửa gì cả về nội dung, tình tiết mà thỉnh thoảng chỉ khuyên tôi diễn đạt ý này ý kia cho trong sáng hơn. Ngay quyển sách đầu tay của tôi cũng được viết trong khoảng ba tháng hè khi tôi ở nhà một mình và cũng tự mình gửi đi nhà xuất bản mà ba mẹ hay gửi sách, rồi được họ đồng ý xuất bản mà ba mẹ tôi không hay biết gì.
Còn với hoạt động xã hội, ba mẹ lại giúp tôi, truyền lửa cho tôi rất nhiều. Khi tôi còn nhỏ, mẹ luôn hăng hái đưa tôi đi từ thiện đến rất nhiều địa phương để giúp các trẻ em khó khăn. Khi thành lập quỹ giúp đỡ người mù “Những trái tim đang sống”, do tôi chưa đủ tuổi thành niên nên mẹ tôi cũng đã giúp tôi đứng tên pháp nhân làm chủ tịch quỹ trong khi thực tế ý tưởng việc khởi xướng lập quỹ là do tôi nghĩ ra.
Bất kỳ ai cũng có ấn tượng với thần đồng văn học Mikhail Samarsky bởi cách tiếp xúc thông minh và thẳng thắn.
Phải biết đè nén nỗi sợ hãi
. Ý tưởng gặp Tổng thống Nga Dmitri Medvedev và Quốc hội Nga của bạn để trình bày những vấn đề cần thay đổi nhằm giúp đỡ người mù xuất phát từ đâu?
+ Việc gặp tổng thống và Quốc hội nước tôi không phải là một ý tưởng nhưng cũng không phải chuyện tình cờ mà được, tình cờ mà xảy ra. Văn phòng của tổng thống Nga có một trang web giao lưu với mọi người dân, theo dõi tất cả nguồn dư luận trên mạng, các blogger gây chú ý, tác động đến xã hội. Năm tôi 15 tuổi, văn phòng này đã chọn ra 50 blogger có những hoạt động, bài viết có xây dựng, đóng góp tích cực cho xã hội để gặp Tổng thống Nga Dmitri Medvedev để trao đổi cùng ông nhằm phát huy những đóng góp của mình. Tôi đã được chọn trong 50 blogger đó. Sau sự kiện tôi gặp được tổng thống và đem lại được nhiều thay đổi tốt hơn cho cuộc sống của người mù, nhất là đoạn clip ghi lại cuộc trao đổi giữa tôi và tổng thống phổ biến trên mạng, tôi trở thành một người hoạt động xã hội được nhiều người biết đến.
. Bạn rất tự tin và có nhiều hoạt động xã hội đáng tự hào ở độ tuổi 15-17 của mình. Bạn có thể chia sẻ bí quyết để có sự tự tin và thành công đó với các bạn đồng trang lứa ở đất nước chúng tôi, kể cả việc làm thế nào để xây dựng một tinh thần quan tâm đến xã hội?
+ Trước hết, tinh thần quan tâm đến xã hội xuất phát từ bên trong, là tấm lòng, là cái tâm của mỗi người nên tôi không thể chia sẻ gì được. Riêng về các hoạt động xã hội thì bao giờ lúc mới bắt đầu, một người ở độ tuổi như tôi luôn có những lo lắng, sợ hãi, thiếu tự tin. Tuy nhiên, kinh nghiệm của tôi là phải biết đè nén những sợ hãi đó để quyết làm, dám nói, dám nghĩ, dám làm với tâm niệm: “Một khi mình làm việc tốt, xuất phát từ tấm lòng của mình thì không có gì phải sợ hãi cả. Mình chỉ phải sợ hãi khi làm một việc xấu”.
. Xin cảm ơn bạn.
Quyển sách Chó dẫn đường phiêu lưu ký do Mikhail Samarsky viết vào năm 13 tuổi được đánh giá là có những góc nhìn nhân văn sâu sắc về con người và xã hội. Mikhail cho biết: “Cảm hứng viết trước hết đến từ cảm xúc thực của tôi khi tôi gặp một thanh niên mù trong công viên, nghe anh ấy kể về cuộc sống của mình. Câu chuyện của anh ấy đã lay động tâm hồn tôi khiến tôi luôn day dứt về thế giới của người mù, tự hỏi tại sao trước đây mình không biết gì về cuộc sống của họ và tôi muốn viết ra để nhiều người sáng mắt như tôi cũng biết về cuộc sống, thế giới của người mù với rất nhiều tâm tư, trăn trở. Nhưng để viết được quyển sách, tôi đã đi thực tế rất nhiều”. |
HÒA BÌNH thực hiện