Các nhà khoa học Đức phát hiện rằng các loài chim thuộc họ quạ có khả năng cảm nhận một cách có ý thức về môi trường xung quanh, đài RT đưa tin ngày 28-9.
Nhóm nhà nghiên cứu tại Đại học Tubingen (Đức) công bố kết luận nghiên cứu trên tạp chí Science của Hiệp hội Khoa học Mỹ (AAAS) rằng loài quạ mỏ nhỏ có phản ứng thần kinh liên quan tới khả năng nhận biết các yếu tố kích thích, từ đó hình thành ý thức sơ cấp.
Nhóm nhà nghiên cứu cho hai con quạ mỏ nhỏ tương tác với khoảng 20.000 tín hiệu ánh sáng, chia thành hàng chục đợt nhỏ trong khi liên tục theo dõi điện não của hai con vật.
Hai con chim được huấn luyện để gật đầu khi chúng phát hiện yếu tố kích thích là nguồn sáng mạnh. Các nguồn sáng yếu và ngắn hơn làm hai con vật khó phát hiện hơn nhưng mỗi con có khả năng tương tác khác nhau với các nguồn sáng yếu này. Các nhà khoa học cho rằng điều này liên quan tới kinh nghiệm chủ quan của từng cá thể.
Loài quạ mỏ nhỏ được cho là có ý thức sơ cấp. Ảnh minh họa. Ảnh: THE TIMES
Nhóm nhà nghiên cứu cho biết họ phát hiện rằng quạ có ý thức ở một hình thái sơ khai nhất. Loại ý thức này chỉ liên quan tới hiện tại và các sự kiện trong quá khứ gần hoặc tương lai gần.
Trước đây, giới khoa học cho rằng ý thức sơ cấp này chỉ tồn tại ở một số loài linh trưởng. Phát hiện mới đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu kỹ hơn bộ não và hành vi của các loài chim, bao gồm khả năng tích lũy kinh nghiệm của từng cá thể.
Các nhà khoa học của Đại học Tubingen hy vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu và xác định liệu các loài chim có hình thành dạng ý thức thứ cấp hay cao hơn là nhận thức nào hay không.
Một vấn đề khác cũng được quan tâm là hình thái bộ não của chim. Phần lớn các nhà khoa học tin rằng não chim nhỏ và ít nếp nhăn hơn nhiều so với não động vật có vú và con người.
Tuy nhiên, những hình ảnh 3D của một nhóm chuyên gia thuộc Đại học Bochum (Đức) cho thấy có vẻ não ở chim có các điểm tương đồng với não của động vật có vú nhiều hơn những gì con người từng phát hiện ra. Điều này mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới.