Sửng sốt với hóa thạch hơn 500 triệu năm tuổi tại Trung Quốc

Mới đây, các nhà cổ sinh vật học Trung Quốc đã phát hiện một số lượng lớn hóa thạch ghi lại bức tranh thời khởi thủy của quá trình tiến hóa sinh vật sống trên Trái Đất hơn 500 triệu năm về trước.

Hàng ngàn hóa thạch đã được tìm thấy trong các tảng đá trên bờ sông Danshui, tỉnh Hồ Bắc, miền Nam Trung Quốc, trong đó có những dạng sống nguyên thủy đầu tiên của sứa, bọt biển, tảo, hải quỳ, giun và loài chân đốt…

Hàng ngàn hóa thạch sinh vật thời Cambrian được tìm thấy tại Hồ Bắc,      Trung Quốc. Ảnh: GUARDIAN GRAPHIC

Chúng được bảo quản tốt đến nỗi những mô mềm trên cơ thể như: cơ bắp, ruột, mắt, mang, miệng và các phần hở khác vẫn còn rõ nét. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng hóa thạch ghi nhận là 4.351.

Ông Robert Gaines, nhà địa chất học thuộc nhóm nghiên cứu từ Đại học Pomona, Claremont, California cho biết: “Thật kinh ngạc khi mãi tới thời điểm này, các nhà khoa học mới biết đến sự tồn tại của một lượng lớn các loài sinh vật thời Cambrian ở đây.”

Các nhà cổ sinh vật học đang tìm kiếm hóa thạch trong các tảng đá bên bờ sông Danshui, Trung Quốc. Ảnh: SCIENCE.

Các mẫu sinh vật tìm thấy có niên đại 518 triệu năm. Đó cũng chính là thời điểm diễn ra vụ nổ Cambrian. Vụ nổ này đã đánh dấu sự xuất hiện của tất cả các loài sinh vật đặc biệt. Một số loài đã tuyệt chủng vì không thích nghi với sự tiến hóa, một số khác đã hình thành những nhánh sự sống đầu tiên.

Các nhà khoa học vẫn đang tranh cãi về nguyên nhân gây ra vụ nổ Cambrian. Một trong những giả thuyết là sự sống nảy sinh nhờ tính di truyền rồi hình thành cơ thể động vật. Một giả thuyết khác cho rằng chính yếu tố săn mồi đã kích hoạt cuộc đua tiến hóa trên các mảng kiến tạo đồng thời tăng cường nạp chất dinh dưỡng vào đại dương.

Một lượng lớn các sinh vật thời Cambrian xuất hiện tại Trung Quốc.            Ảnh: SUPPLIED.

Cho đến nay, hóa thạch gây kinh ngạc nhất đến từ vụ nổ Cambrian được tìm thấy trong khối đá Burgress Shale 508 triệu năm tuổi ở Canada và hóa thạch 518 triệu năm tuổi tại Thành Giang, Trung Quốc. Những hóa thạch vừa được các nhà nghiên cứu phát hiện ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã cung cấp bức tranh về những hệ sinh thái hoàn toàn khác nhau của các sinh vật cùng niên đại.

Trong thời gian diễn ra vụ nổ Cambria, toàn bộ động vật vẫn còn sống dưới biển. Tạp chí Science đã mô tả quá trình các sinh vật thời Cambrian bị nhấn chìm bởi bùn biển rồi bị cuốn trôi vào vùng nước lạnh và sâu hơn. Tại đó, chúng bị vùi lấp dưới vùng trầm tích, quá trình phân rã ngừng lại và cơ thể chúng được bảo tồn nguyên vẹn đến ngày nay.

Martin Smith, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Durham nhận xét rằng địa điểm khai quật mới này rất đáng chú ý vì nó đã ghi lại một thời điểm quan trọng trong lịch sử tiến hóa một cách chi tiết. Những hóa thạch này giúp chúng ta hình dung được bức tranh tiến hóa tổng quát từ khi động vật tiến hóa từ một tổ tiên chung duy nhất.

Allison Daley, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Lausanne cho biết có hai hóa thạch đặc biệt nổi bật với cô. Một là con kinorhynch, còn được gọi là rồng bùn. Ngày nay, những sinh vật giống giun này chỉ dài vài mm. Nhưng những con rồng bùn hóa thạch được tìm thấy lại dài tới 4cm.

Những con rồng bùn hóa thạch được tìm thấy lại dài tới 4cm. Ảnh: SUPPLIED

Một điều ngạc nhiên khác nữa là lượng lớn những động vật ruột khoang đã được tìm thấy. Những sinh vật biển ăn thịt này là một trong những loài sinh vật cổ nhất trên Trái Đất và việc nghiên cứu chúng có thể giúp các nhà khoa học tìm lại những bước tiến hóa đầu tiên của động vật.  

Cô cũng nhận định: “Đây chỉ là bước đầu tiên trong chuỗi các nghiên cứu đầy bất ngờ về những bí ẩn về các loài động vật thời Cambrian.”

Báo THE GUARDIAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm