Lần thứ tư, 'bà trùm' buôn lậu Mười Tường lãnh án

(PLO)- HĐXX nhận định bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh là người chủ mưu cầm đầu, chỉ đạo mọi hoạt động của đường dây nên phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án.

Sau nhiều ngày xét xử, chiều 13-8, TAND tỉnh An Giang đã tuyên án vụ Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường) cùng 24 bị cáo khác trong vụ án buôn lậu 51 kg vàng và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

HĐXX xác định đường dây vận chuyển tiền USD từ Việt Nam sang Campuchia và vận chuyển vàng từ Campuchia về Việt Nam của bị cáo Hạnh được hình thành và hoạt động từ năm 2018 cho đến khi bắt quả tang.

Đây là vụ án thứ tư mà bị cáo Hạnh bị xét xử.

Đường dây buôn lậu hoạt động lâu dài và xuyên suốt

Tòa tuyên phạt bị cáo Hạnh 16 năm tù về tội buôn lậu, bảy năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới; phạt bổ sung 150 triệu đồng.

Cùng hai tội danh này, bị cáo Phạm Tấn Lộc bị tuyên phạt 13 năm tù, Mai Thị Ngọc Phấn 10 năm tù.

Nhóm bị cáo thuộc tiệm vàng bị phạt 7-10 năm tù; bị phạt bổ sung mỗi bị cáo 100 triệu đồng về tội buôn lậu. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt 3-8 năm tù.

HĐXX nhận định: Kết quả xét hỏi và tranh tụng tại tòa cho thấy lời khai nhận tội của các bị cáo tại các giai đoạn tố tụng phù hợp nhau, phù hợp lời khai của những người liên quan.

Hạnh không thừa nhận là chủ mưu đường dây buôn lậu vàng nhưng các bị cáo làm công có lời khai cho thấy ngày 30-10-2020, được sự phân công của Hạnh, họ đã nhiều lần nhận tiền USD của các chủ tiệm vàng để sang Campuchia mua vàng chuyển về Việt Nam, giao lại để hưởng tiền công.

“Bà trùm” Nguyễn Thị Kim Hạnh tại phiên tòa. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Bị cáo Lộc được phân công nhận USD từ các tiệm vàng đi qua Campuchia, bị cáo Phấn theo dõi lượng tiền và vàng đã nhận thông qua tin nhắn.

Mặt khác, Hạnh cũng thừa nhận đã thỏa thuận nhận giao tiền, vàng nhằm tạo việc làm cho đàn em; nếu hàng mất Hạnh sẽ bồi thường. Các bị cáo là chủ tiệm vàng trong vụ án cũng xác định nếu không có bị cáo Hạnh tham gia thì các bị cáo đã không đưa tiền, vàng cho Lộc, Phấn.

Điều này chứng minh Hạnh tham gia với vai trò chính, chủ mưu cầm đầu, phân công các bị cáo khác tham gia vận chuyển tiệm vàng xuyên suốt từ năm 2018 đến khi bị bắt quả tang; có mắt xích dây chuyền ở từng nhiệm vụ mà các bị cáo được phân công.

Chiêu trò qua mặt lực lượng chức năng

Nội dung vụ án được HĐXX xác định cụ thể: Trưa 30-10-2020, lực lượng Công an tỉnh An Giang tuần tra tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc phường Vĩnh Nguơn thì phát hiện Nguyễn Hoàng Út (Mạnh) chạy tắc ráng từ hướng Campuchia cập vào bờ. Cùng lúc, Nguyễn Văn Minh, Trần Văn Hải, Nguyễn Hữu Phước và Võ Văn Trung đi bộ đến lấy ba bọc nylon bên trong có gần 51 kg vàng 99,99% (tương đương 1.357 lượng vàng). Hải bị bắt giữ cùng tang vật.

Còn Minh, Út, Phước, Trung bỏ trốn. Cùng ngày, Minh cùng Võ Minh Tâm, Phan Văn Bồ ra đầu thú. Theo giám định, số vàng trị giá hơn 71 tỉ đồng.

Thảo Trang, Tuyết Vân, Đại Nghĩa, Trương Văn Liêm, Trương Thái Nguyên và Cường thừa nhận chuyển tiền USD từ Việt Nam sang Campuchia để mua vàng của Tuốt, Hía, PhaNa (sống tại Campuchia, không rõ họ tên, địa chỉ cụ thể) chuyển về Việt Nam.

Sau đó, Tuốt, Hía, PhaNa thuê Hạnh vận chuyển tiền USD, vàng giao cho Tuyết Vân, Nghĩa, Cường và Nguyên; sau đó giao lại cho Trang; ký hiệu trên mỗi gói tiền USD, vàng được quy ước riêng tương ứng với từng tiệm vàng. Tiền công vận chuyển mỗi 100.000 USD là 70 USD, mỗi ký vàng là 15 USD.

Để vận chuyển tiền USD, vàng qua lại biên giới, Hạnh thuê và phân công Phấn, Lộc trực tiếp liên hệ với Nguyên, Cường, Tuyết Vân, Nghĩa nhận tiền USD, giao vàng và nhận tiền công vận chuyển. Lộc, Bạch Vân kiểm đếm số lượng tiền USD, vàng rồi cùng các bị cáo khác vận chuyển USD sang Campuchia và nhận vàng vận chuyển về nhà Hạnh để giao lại cho các tiệm vàng; một nhóm khác được phân công cảnh giới đường đi.

HĐXX nhận định các bị cáo nhận thức được hành vi của mình vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện. Hạnh chỉ đạo mọi hoạt động của đường dây nên phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án.•

“Bà trùm” liên tiếp lãnh án

Tháng 1-2023, TAND tỉnh An Giang xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh 14 năm tù trong vụ án buôn lậu đường cát. Một tháng sau, Hạnh tiếp tục bị tòa sơ thẩm tuyên phạt ba năm tù về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.

Trước đó, tháng 11-2022, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm một vụ án khác đã phạt Hạnh tám năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới