Mô hình Khu phố xanh do báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM khởi xướng từ năm 2012 với mục đích kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực. Bắt đầu ở một số phường của quận Tân Phú, đến nay trên địa bàn TP.HCM đã xuất hiện nhiều mô hình Khu phố xanh.
Điểm xả rác thành vườn hoa
Hưởng ứng kế hoạch xây dựng TP văn minh, sạch đẹp, thời gian qua đã có nhiều quận huyện, sở ban ngành thực hiện nhiều mô hình, dự án kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường.
Chia sẻ vấn đề này, đại diện Trung tâm Tham vấn hỗ trợ cộng đồng Pháp Bảo cho biết trung tâm đã triển khai mô hình Khu phố xanh ở phường 11, quận Gò Vấp và phường Hiệp Thành, quận 12. Trước đây, tuyến đường Nguyễn Thị Đặng, khu phố 6, phường Hiệp Thành, quận 12 là điểm nóng về lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán. Đây cũng là nơi tập kết rác của các hộ dân buôn bán xung quanh và khách mua sắm tại chợ. Để giải quyết tình trạng này, mô hình Khu phố xanh ở phường Hiệp Thành đã ra đời từ tháng 9-2017. Chương trình đã thu hút hàng trăm lượt người tham gia gồm học sinh, lực lượng dân phòng, chiến sĩ Tiểu đoàn 276 và các ban ngành đoàn thể. Trưởng khu phố thường xuyên nhắc nhở cộng đồng dân cư thường xuyên thu gom sạch rác, không để rác ứ đọng tại các tuyến đường. Đồng thời thường xuyên vận động các hộ kinh doanh trên các tuyến đường cam kết giữ gìn vệ sinh, không xả rác ra vỉa hè. Mô hình đã chứng minh hiệu quả, chính quyền địa phương và người dân trong khu vực hưởng ứng đã biến các điểm đen rác thải thành khu vườn hoa xanh đẹp.
Tương tự là mô hình Khu phố xanh ở phường 11, quận Gò Vấp. Trước đây, khu vực này cũng là điểm nóng về tình trạng xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và cảnh quan đường phố. UBND phường 11 đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và các tổ chức khác triển khai thực hiện mô hình Khu phố xanh, kêu gọi mọi người quét dọn rác hằng ngày, tích cực trồng cây xanh. Đến nay những bãi rác lộ thiên gây ô nhiễm trước kia đã biến mất và thay vào đó là những bồn hoa xanh tươi.
Nhân viên mô hình Khu phố xanh hướng dẫn người dân giữ gìn vệ sinh, phân loại rác trước khi rác được thu gom. Ảnh: MINH HẢI
“Mỗi ngày 15 phút”
Tại quận 5, ông Nguyễn Trọng Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 5, cũng cho biết quận đã tuyên truyền, vận động cán bộ, người dân trên địa bàn tham gia bảo vệ môi trường qua nhiều biện pháp như “tổ vệ sinh môi trường”, “săn ảnh đen”, “1 biết 2”, “mỗi ngày 15 phút” và mô hình Khu phố xanh. Theo đó, quận đã lắp đặt 235 thùng rác công cộng trên các tuyến đường nhằm giảm lượng rác do khách vãng lai thải ra và tuyên truyền người dân ý thức bỏ rác đúng nơi quy định. Thường xuyên quét dọn, giữ gìn lề đường, vỉa hè sạch đẹp... Duy trì thường xuyên việc tổng vệ sinh 15 phút hằng tuần vào thứ Sáu hằng tuần. Thường xuyên tăng cường trồng cây xanh, hoa kiểng…
Song song với tuyên truyền, quận 5 cũng đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường.
Cần phân loại rác tại nguồn
Theo báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM, hiện trung bình mỗi ngày toàn TP thải ra khoảng 7.000-8.000 tấn rác. Đến nay, phần lớn rác thải vẫn được xử lý bằng biện pháp chôn lấp và điều này đã tạo gánh nặng rất lớn cho TP trong việc tìm quỹ đất chôn lấp rác. Giải pháp xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp cũng phát sinh mùi hôi, nước rỉ rác đã gây nhiều bức xúc trong cộng đồng người dân.
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, cho rằng một trong các giải pháp giúp TP xử lý rác hiệu quả là thực hiện phân loại rác tại nguồn. Các cơ quan chức năng cần hỗ trợ người dân lắp đặt thùng rác, bịch rác hai màu để phân loại rác. Đơn cử, tại quận Tân Phú, công ty đã triển khai thành công mô hình Khu phố xanh và duy trì từ năm 2013 đến nay. Thế nhưng có được thành công này phải bắt buộc hoàn thiện khâu hạ tầng thu gom rác thải theo phân loại, kết hợp với tăng cường nhận diện rác thải phân loại thông qua tuyên truyền.
Bà Trần Thị Hồng Cúc, Chủ tịch UBND phường Tân Thành, quận Tân Phú, cho biết thêm quan tâm giáo dục ý thức trẻ em về phân loại rác từ trong nhà trường cũng là vấn đề rất quan trọng. Cùng với việc phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP tuyên truyền cho người dân, phường và quận đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện phân loại rác tại nguồn cho các trường học trên địa bàn.
Cần xử phạt nặng Ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, cho biết TP.HCM sẽ xanh, sạch, đẹp hơn khi ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao. Các phong trào và mô hình kêu gọi bảo vệ môi trường của các tổ chức, quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đang triển khai cũng đã và đang có những dấu hiệu tích cực trong việc thay đổi nhận thức của người dân. Tuy nhiên, cùng với hoạt động tuyên truyền thì cần phải xử phạt thật nặng và nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi phá hoại môi trường làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Có như vậy mới đạt được hiệu quả mong muốn khi triển khai thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn trên phạm vi toàn TP. Thời gian gần đây, sau khi Chính phủ ban hành nghị định xử lý hành vi vi phạm môi trường, trong đó xử lý hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng, phường đã bố trí lực lượng chức năng kiểm tra và xử phạt đối tượng vi phạm. Trong thời gian tới, cần có biện pháp chế tài đối với các đơn vị thu gom rác dân lập không thực hiện phân loại rác khi thu gom. Bà Trần Thị Hồng Cúc,Chủ tịch UBND phường Tân Thành, quận Tân Phú |