Làng gốm 500 tuổi tất bật nặn trâu bán Tết

Cận Tết, những lò gốm ở phường Thanh Hà (TP Hội An, Quảng Nam) cấp tập nhào nặn tò he, linh vật “trâu Tết” để cung ứng ra thị trường.

Đắt hàng "trâu Tết"

Chị Trần Thị Hòa (ngụ phường Thanh Hà, TP Hội An) là một trong những chủ cơ sở sản xuất gốm lớn ở trong làng. Để đảm bảo nguồn hàng cho khách, những ngày này cả gia đình chị phải làm việc liên tục và tăng thời gian sản xuất gốm.

Ở lò gốm chị Hòa, các công đoạn như dựng khuôn, trộn đất sét, đưa gốm vào lò nung đều do các thành viên trong gia đình thực hiện. Không khí làm việc rộn ràng, hối hả từ sáng đến chiều tối.

Chị Hòa nói rằng, những chú trâu đất được nhiều nơi trong cả nước đặt mua từ nhiều tháng trước, đây được xem là món quà may mắn trong dịp năm mới. Tuy nhiên, các sản phẩm gốm truyền thống như chiếc ấm, bùng binh, chum,... vẫn được duy trì sản xuất để bán ra thị trường.

“Ngay từ đầu tháng Chạp, tôi bắt đầu làm tượng gốm con giáp. Năm nay, cơ sở tôi sản xuất nhiều mẫu gốm hình con trâu vì đơn đặt hàng sản phẩm này rất nhiều”, chị Hòa nói. Chị cho biết thêm dịp Tết Tân Sửu 2021, chị cho xuất xưởng khoảng 6.000 sản phẩm tò he hình trâu.

Những sản phẩm hình trâu của gia đình chị được đưa đi các tỉnh như Khánh Hòa, Quảng Trị,… để tiêu thụ. Được biết, những chú trâu gốm này có giá từ 5.000-200.000 đồng/tùy loại.

Giữ lửa nghề gốm truyền thống

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nhà xưởng gốm tại Thanh Hà phải tạm ngừng hoạt động.  Gia đình ông Nguyễn Quốc Hoàng (ngụ phường Thanh Hà, TP Hội An) là một trong những hộ tại làng vẫn miệt mài giữ lửa nghề truyền thống.

Ông Hoàng cho biết năm nay gia đình ông tập trung vào chế tác linh vật Tân Sửu để trưng bày và bán cho phần lớn khách nội địa nên số lượng sản phẩm gốm được xuất xưởng ít hơn năm 2020.

“Dịp này, gia đình tôi làm các tượng trâu với nhiều kích cỡ và đầy đủ các tư thế như đứng, nằm, gặm cỏ, chiến đấu. Hy vọng sẽ thu hút được nhiều du khách đến mua”, ông Hoàng nói.

Để làm được trâu gốm, những người thợ phải kiên trì, tỉ mỉ nhào nặn đất sét, tạo hình rồi đem đi phơi nắng trong khoảng 7 ngày. Sau đó, thợ gốm sẽ lấy sản phẩm linh vật cho vào lò nung với nhiệt độ cao, rồi đánh bóng hoàn thiện.

Năm nay, lượng khách đến với làng gốm Thanh Hà để tham quan và trải nghiệm giảm mạnh. Tuy nhiên, mặt hàng tượng gốm hình trâu vẫn đắt hàng và thu hút nhiều sự quan tâm của du khách và thương lái.

Anh Đào Công Thành, du khách Hà Nội, chia sẻ: “Năm nay vợ chồng tôi tới làng gốm Thanh Hà để mua những tượng gốm, tò he hình trâu làm quà cho người thân, đây được xem là món quà may mắn trong dịp năm mới này”.

Theo ông Nguyễn Văn Tú, Chủ tịch UBND phường Thanh Hà, cho biết hiện làng gốm Thanh Hà có trên 24 cơ sở sản xuất, chủ yếu phục vụ du lịch và làm gốm theo đơn của khách hàng. Số lượng sản phẩm trâu tết làm ra ít hơn mọi năm do lượng đơn đặt hàng giảm mạnh. 

“Trong thời gian tới, địa phương sẽ tổ chức nhiều hoạt động chào xuân nhằm tạo điều kiện trưng bày các sản phẩm gốm, trong đó có hình tượng những chú trâu để thu hút khách du lịch đến với làng nghề”, ông Tú nói.

Nghệ nhân tại làng gốm Thanh Hà bắt đầu nặn tượng gốm “trâu Tết” trong những ngày qua

Công đoạn tạo hình trâu đòi hòi sự tỉ mỉ, khéo léo từ bàn tay của nghệ nhân

Sau công đoạn tạo hình, những người thợ sẽ đem sản phẩm đi phơi khô trong khoảng 1 tuần và cho vào lo nung ở nhiệt độ cao, đánh bóng để ra sản phẩm hoàn thiện.

Những tượng trâu với nhiều loại kích cỡ và được tạo hình nhiều tư thế như đứng, nằm, gặm cỏ,… . Giá mỗi sản phẩm dao động từ 5.000-200.000 đồng.

Anh Đào Công Thành, du khách Hà Nội, chia sẻ: “Năm nay vợ chồng tôi tới làng gốm Thanh Hà để mua những tượng gốm, tò he hình trâu làm quà cho người thân, đây được xem là món quà may mắn trong dịp năm mới”.

Nguyên liệu để làm tượng ở làng gốm Thanh Hà là đất sét được phù sa bồi đắp trên sông Thu Bồn.

Bên cạnh tượng gốm về những chú trâu, các sản phẩm gốm truyền thống như chiếc ấm, bùng binh, chum,... vẫn được duy trì sản xuất để bán ra thị trường.

Trái với cảnh đông đúc so với năm ngoái, lượng khách đến với làng gốm Thanh Hà thời điểm này giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

 

Làng gốm Thanh Hà (xã Cẩm Hà, TP Hội An, Quảng Nam) là làng gốm thuần Việt thủ công hoàn toàn, không dùng bất kỳ loại phụ gia nào ngoài đất sét và gốm được nung bằng than củi.

Khoảng thế kỷ XVI, cư dân vùng Thanh Hóa, Nam Định theo chân chúa Nguyễn vào nam lập nghiệp đã chọn vùng đất Thanh Hà ngày nay - nơi bãi bồi ven sông để định cư, sinh sống bằng nghề gốm. Từ đó gốm Thanh Hà trở nên nhiều người biết đến, nổi tiếng khắp miền trung, trở thành mặt hàng quan trọng cung cấp cho các thương gia từ khắp bốn phương đến phố cảng Hội An.

Thanh Hà cũng chính là nơi sản xuất gạch, ngói lợp cho các ngôi nhà cổ ở Hội An - nơi đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm