Lãnh đạo Quảng Ngãi và Vĩnh Phúc đã 'nhận hối lộ' để Tập đoàn Phúc Sơn được thực hiện dự án trái luật

(PLO)- Đây là nhận định được thể hiện trong báo cáo tình hình tội phạm 3 tháng đầu năm 2024 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ vừa báo cáo tình hình tội phạm ba tháng đầu năm 2024.

Theo nhận định của Ban chỉ đạo, thời gian qua tội phạm về tham nhũng và chức vụ nổi lên với các tội danh liên quan đến quy hoạch, xây dựng, năng lượng với phương thức, thủ đoạn phổ biến là: Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư của Nhà nước để trục lợi, nhận hối lộ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, xây dựng…

Điển hình ở đây là vụ Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi và nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi đã “nhận hối lộ” để tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn triển khai các dự án bất động sản trái quy định pháp luật.

Khu đô thị mới Tứ Trưng - Vĩnh Tường tại Vĩnh Phúc của Tập đoàn Phúc Sơn. Ảnh: XUÂN NGUYÊN
Khu đô thị mới Tứ Trưng - Vĩnh Tường tại Vĩnh Phúc của Tập đoàn Phúc Sơn. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Tiếp đến là các tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế chủ yếu tập trung trong lĩnh vực đấu thầu, tài chính, ngân hàng, quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, thuế.

Cụ thể ở đây là vụ “Vi phạm quy định trong hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Chi nhánh 6 TP.HCM.

Tiếp đó là vụ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, bước đầu xác định gây thất thoát, thiệt hại hơn 300 tỉ đồng cho Quỹ bình ổn giá xăng dầu...

Thêm vào đó hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại, vận chuyển, sản xuất hàng cấm, hàng giả gia tăng phức tạp với các mặt hàng chủ yếu là hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng…

Đáng chú ý, lực lượng chức năng phát hiện một số phương thức phạm tội mới như: Đối tượng sử dụng giấy tờ giả để đăng ký “chữ ký số”, “thay đổi thông tin sử dụng hóa đơn điện tử” và “chiếm quyền phát hành hóa đơn giá trị gia tăng điện tử” của một số doanh nghiệp. Mục đích của đối tượng để phát hành và bán hóa đơn giá trị gia tăng, thu lợi trái phép.

Đặc biệt, công an phát hiện hành vi lợi dụng ngân hàng thương mại để thực hiện hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới bằng phương thức cho, tặng sổ tiết kiệm.

Chẳng hạn như vụ Giám đốc Phòng Giao dịch Kim Liên của Ngân hàng SCB (Hà Nội) hợp thức hóa tiền của một số cá nhân chưa xác minh được nguồn gốc thành các sổ tiết kiệm và làm thủ tục cho, tặng các sổ tiết kiệm đối với các cá nhân ở nước ngoài. Sau đó, các cá nhân ở nước ngoài ủy quyền cho một số đối tượng tại Việt Nam chuyển tiền ra nước ngoài, số tiền đã chuyển ước tính 10 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm