Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR) cho biết chính quyền TP.HCM đang tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).
Đã họp được 3 phiên để giải quyết khó khăn
MAUR cho biết với sự nỗ lực của MAUR, đội ngũ tư vấn và các nhà thầu Nhật Bản, đến nay tổng khối lượng tuyến metro số 1 đạt 98%.
Để có thể đưa dự án metro số 1 vào vận hành khai thác thương mại, MAUR và các đơn vị đang triển khai những công đoạn cuối - tập trung cho công tác thử nghiệm, đào tạo thực hành cho nhân viên vận hành, đánh giá an toàn hệ thống và nghiệm thu.
Tuy nhiên, giai đoạn này cũng phát sinh nhiều vướng mắc, tranh cãi về mặt thương mại giữa các bên, đặc biệt là phạm vi công việc giữa các nhà thầu, tư vấn của dự án.
Mặc dù các vướng mắc của dự án về phía Việt Nam cơ bản đã được giải quyết nhưng vướng mắc từ phía tư vấn và các nhà thầu Nhật Bản cần có những nỗ lực lớn hơn, tác động ở cấp cao hơn để xử lý. Mục tiêu là sớm hoàn thành dự án metro số 1 – Dự án ODA có tổng mức đầu tư lớn nhất của Chính phủ Nhật Bản ở Việt Nam từ trước đến nay.
Gần đây, UBND TP.HCM đã có quyết định số 711 về việc thành lập Tổ công tác rà soát và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của tuyến metro số 1 do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Bùi Xuân Cường và Phó Đại sứ Nhật Bản Shige Wantanabe đồng Tổ trưởng. Đến nay, Tổ công tác đã họp được 3 phiên.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cùng với Đại sứ Nhật Bản cũng đã có 2 phiên họp.
Gần đây, Chủ tịch UBND TP.HCM đã gửi thư riêng cho Đại sứ Nhật Bản. Trong thư khẳng định TP sẽ xem xét đề xuất của phía Nhật Bản giải quyết các tranh chấp thông qua Ban xử lý tranh chấp (DAB).
Nỗ lực vận hành khai thác tuyến metro số 1
MAUR cho biết TP.HCM cũng đề nghị phía Nhật Bản tập trung mọi nguồn lực để nhà thầu Hitachi thực hiện và hoàn thành công tác vận hành thử nghiệm tích hợp của gói thầu CP3 trong tháng 5- 2024. Đồng thời sớm bàn giao một số đoàn tàu và các thiết bị cần thiết cho Liên danh NJPT để tiến hành công tác đào tạo thực hành.
Cùng với đó, MAUR với vai trò chủ đầu tư liên tục trao đổi với nhà thầu và tư vấn để giải quyết các vướng mắc trên cơ sở tính toán chi phí phát sinh trong quá trình đào tạo trên cơ sở đảm bảo theo quy định của Hợp đồng quốc tế FIDIC.
MAUR cũng đã có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng liên quan đến thủ tục thực hiện quy trình thành lập Ban xử lý tranh chấp (DAB). Nội dung này chưa được quy định rõ ràng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Hiện nay, MAUR đã và đang tích cực phối hợp với Tư vấn chung và các nhà thầu nhằm hoàn thành dự án và đưa vào vận hành khai thác tuyến metro số 1.
Kế hoạch cụ thể là phải hoàn thành công tác thi công còn lại như cầu bộ hành và tòa nhà văn phòng công ty vận hành khai thác trong Depot; tiếp tục thử nghiệm liên động toàn tuyến theo các tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật của Nhật Bản và châu Âu; phối hợp với Cục PCCC để kiểm tra và nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC) từng hạng mục và toàn dự án.
Bên cạnh đó là công tác đánh giá an toàn hệ thống bởi Tư vấn độc lập - Liên danh Bureau Veritas của Pháp để trình cơ quan chức năng thẩm định và chứng nhận an toàn cho việc vận hành; thực hiện và hoàn thành công tác đào tạo nhân sự vào cuối quý III-2024.
Đồng thời, hoàn thành hồ sơ hoàn công và tiến hành nghiệm thu hoàn thành dự án với sự tham gia của Hội đồng kiểm tra nhà nước.
"Chính quyền TP.HCM, MAUR và các bên liên quan đang nỗ lực để giải quyết những vướng mắc, vận hành thử nghiệm an toàn và tiến hành các bước nghiệm thu để đưa tuyến Metro số 1 vào vận hành thương mại" - MAUR thông tin.