Lãnh đạo TP.HCM nói về hồ sơ đất đai bị ách tắc do bảng giá đất

(PLO)- Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, TP đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng giao Bộ TN&MT, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện giải quyết các hồ sơ ách tắc do vướng mắc về dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 20-8, tại TP.HCM đã diễn ra hội nghị lấy ý kiến đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) TP đối với dự thảo quyết định điều chỉnh quyết định số 02/2020 ngày 16-1-2020 của UBND TP quy định về Bảng giá đất trên địa bàn.

Dừng giải quyết hồ sơ người dân có đúng luật?

Liên quan việc dừng hồ sơ hành chính về đất đai khi chuyển qua cơ quan thuế để tính tiền thuế, tiền sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP đặt câu hỏi là việc dừng xử lý này là có đúng không?

Lãnh đạo TP.HCM nói gì về hồ sơ đất đai bị ách tắc do Bảng giá đất?
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân góp ý liên quan dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

"Ngày 1-8, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực. Trong Luật này cho phép áp dụng Bảng giá đất cũ đến 31-12-2025. Từ việc này chúng ta cần đặt vấn đề là dừng giải quyết hồ sơ của người dân đến thời điểm nào? Việc dừng này có đúng Luật hay không? Việc này các cơ quan cần nghiên cứu thật kỹ, do nó ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi người dân" - đại biểu Nguyễn Thị Thanh Vân nói.

Tại hội nghị, ông Trần Văn Khuyên, Bí thư huyện ủy huyện Hóc Môn nêu ý kiến trên địa bàn các huyện ngoại thành, vùng ven còn đất nông nghiệp rất nhiều, người dân để có nhà ở thì cần phải chuyển mục đích đất. Trong khi đó, nếu giá đất tăng lên quá cao, người dân sẽ gặp khó, nhiều trường hợp không đủ điều kiện để thực hiện.

Chính vì vậy, ông Khuyên cho rằng TP cần cân nhắc, tính toán, nên kéo dãn việc áp dụng Bảng giá đất điều chỉnh theo từng giai đoạn từ nay đến ngày 31-12-2025. TP cần tạo điều kiện cho người dân để họ có thể chuyển mục đích đất, xây nhà.

Bảng giá đất điều chỉnh là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế. Cái chúng ta cần làm rõ là việc điều chỉnh giá đã giá đất phù hợp chưa và cần nghiên cứu, tham khảo ý kiến nhiều chiều, đánh giá tác động các khu vực, hình thức triển khai. Đề nghị UBND TP tiếp thu để cùng các đơn vị liên quan bàn cách triển khai, cách tính giá để ít ảnh hưởng và theo hướng có lợi cho người dân.

Ông Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM

TP.HCM đã xin ý kiến của Chính phủ

Tham dự buổi họp, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết TP tiếp thu ý kiến của các đại biểu.

ông bùi xuân cường- bảng giá đất.jpg
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến về Bảng giá đất chiều 20-8. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Ông Cường cho biết Sở TN&MT đã báo cáo bốn phương án. Thứ nhất là phương án giữ nguyên như Bảng giá đất hiện nay;

Phương án thứ hai là điều chỉnh bảng giá đất theo Quyết định số 02/2020 với hệ số điều chỉnh theo Quyết định 56/2023 của UBND TP.HCM. Tuy nhiên cách này có hạn chế liên quan vấn đề tái định cư;

Phương án 3 là được xem xét khi điều chỉnh bảng giá đất là đối với giá đất các tuyến đường dự kiến bố trí tái định cư sẽ điều chỉnh theo giá đất thực tế; còn với giá đất các tuyến đường theo quyết định 02/2020 thì nhân với hệ số điều chỉnh theo quyết định 56/2023;

Phương án 4 là thực hiện phương án điều chỉnh như dự thảo hiện nay. Phương án 4 tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 và phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại TP.HCM.

Liên quan đến việc đánh giá tác động, trong đó có hai nhóm cần băn khoăn nhất là việc tính tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất lần đầu và chuyển mục đích sử dụng đất.

"Trong quá trình đánh giá tác động, Sở TN&MT cũng đã có báo cáo hiện nay việc công nhận quyền sử dụng đất lần đầu đã thực hiện cho trên 99% số thửa đất của TP, phần còn lại thuộc 10 trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất.

Liên quan nhóm chuyển mục đích, TP đang điều chỉnh lại quy hoạch chung xây dựng. Khi chuyển mục đích thì phải theo quy định xây dựng chứ không chuyển mục đích tùy tiện" - ông Cường lý giải.

Liên quan những vướng mắc trong việc giải quyết các thủ tục đất đai về nghĩa vụ tài chính trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1-8-2024 đến thời điểm ban hành bảng giá đất điều chỉnh, ông Cường cho biết UBND TP đã kiến nghị Chính phủ đưa ra hướng dẫn để thực hiện.

"Câu hỏi được nhiều người đặt ra gần đây là trong khoảng 1-8 đến thời điểm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thì tính giá đất như thế nào? Về việc này, quan điểm của Bộ Tài chính là cứ làm theo bảng giá cũ nhưng Bộ TN&MT lại có ý kiến là nếu làm theo bảng giá cũ thì sẽ gây thất thoát cho nhà nước. Chính vì vậy, UBND TP đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng giao Bộ TN&MT, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện giải quyết rõ vấn đề này" - ông Cường thông tin.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT, việc xây dựng bảng giá đất điều chỉnh là đúng quy định pháp luật và phù hợp tình hình thực tiễn địa phương.

bảng giá đất ông nguyễn toàn thắng.jpg
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Ông Thắng cho rằng việc ảnh hưởng nhất là người dân chuyển mục đích sử dụng đất ở 9 địa phương còn nhiều đất nông nghiệp, mặc dù Luật Đất đai năm 2024 cho phép nợ tiền sử dụng đất để xây nhà.

"Đối với những nơi quy hoạch kéo dài, thời điểm bỏ quy hoạch lại trùng với thời điểm ban hành bảng giá đất điều chỉnh thì sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, TP sẽ nghiên cứu và kiến nghị về chính sách, mức thu, tỉ lệ thu khi Chính phủ xây dựng, ban hành nghị định" - ông Nguyễn Toàn Thắng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm