Lao động tự do có thể tham gia bảo hiểm tai nạn

(PLO)- Nếu được Chính phủ thông qua, lao động tự do - người lao động khu vực phi chính thức sẽ được tham gia bảo hiểm tai nạn lao động của Nhà nước với mức đóng hơn 32.000 đồng/tháng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi tham vấn ý kiến của các bộ, ngành, Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ) theo hình thức tự nguyện với lao động tự do.

lao động tự do.jpg
Mức đóng dự kiến của người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện là 1% lương tối thiểu vùng IV (32.500 đồng/tháng). Ảnh minh họa: NGUYỄN CHÂU

TNLĐ ở khu vực phi chính thức rất cao

Năm năm qua, ước tính bình quân mỗi năm có trên 1.400 người lao động tự do tử vong do TNLĐ, cao gấp gần hai lần khu vực người lao động (NLĐ) có hợp đồng lao động. Mặc dù các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có cung cấp bảo hiểm TNLĐ, song vẫn hạn chế trong bảo đảm an sinh cho người bị nạn và thân nhân.

Từ đó, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng cần ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm TNLĐ tự nguyện cho lao động tự do - người làm việc không theo hợp đồng nhằm khắc phục hạn chế của bảo hiểm thương mại.

Đề xuất đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện là người làm việc không theo hợp đồng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, không tham gia BHXH bắt buộc.

Cơ quan soạn thảo đề xuất đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện là người làm việc không theo hợp đồng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, không tham gia BHXH bắt buộc. Mức đóng dự kiến 1% lương tối thiểu vùng IV (32.500 đồng/tháng), cao hơn mức đóng của người tham gia BHXH bắt buộc về TNLĐ khoảng 3.850 đồng (tương đương 11,85%).

“Người tham gia BHXH bắt buộc có mức đóng thấp hơn do quá trình tích lũy lâu dài cùng với việc giảm tần suất TNLĐ liên tục qua các năm. Còn bảo hiểm TNLĐ tự nguyện là chế độ mới, NLĐ làm các công việc có nguy cơ cao về TNLĐ. Họ sẽ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng thấp nhất 10%, cao nhất 30% nên sẽ bảo đảm tính tương đồng về mức đóng - hưởng giữa hai khu vực bắt buộc và tự nguyện…” - Bộ LĐ-TB&XH lý giải.

Về mức hưởng, NLĐ được nhận chế độ khi bị suy giảm khả năng lao động và tử vong trong quá trình làm việc. Cụ thể, người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% sẽ được hưởng ba lần mức lương tối thiểu vùng IV, sau đó cứ suy giảm 1% thì được hưởng thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV. Song song đó, NLĐ còn được hưởng khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ tự nguyện.

Đối với người tử vong do TNLĐ, mức hưởng một lần gần 32 lần tháng lương tối thiểu vùng IV, tương đương với người bị thương tật 100%.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, đến hết quý I-2023, số người làm việc không theo hợp đồng lao động ở nước ta khoảng 33 triệu người.

Cần thiết nhưng mức đóng phải hợp lý

Bộ Tài chính đồng thuận với cơ quan soạn thảo về việc Quỹ Bảo hiểm TNLĐ tự nguyện là quỹ thành phần của Quỹ Bảo hiểm bắt buộc. Tuy nhiên, để có thể sử dụng được kết dư từ Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp bắt buộc và bảo đảm nguồn để bù đắp do đối tượng tự nguyện tham gia không thường xuyên, cần nghiên cứu theo hướng hòa đồng giữa hai hình thức.

Thêm vào đó, giai đoạn đầu của Quỹ Bảo hiểm TNLĐ tự nguyện cần điều chỉnh mức đóng, tỉ lệ đóng, mức hưởng trợ cấp… cho phù hợp.

Bộ Tài chính cũng thống nhất việc đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần tiền đóng góp đối với trường hợp khó khăn nhằm khuyến khích, mở rộng đối tượng tham gia. Như vậy, Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng cho người thuộc hộ nghèo, 25% người thuộc hộ cận nghèo và 10% cho trường hợp khác.

Phía BHXH Việt Nam cho rằng nên xây dựng mức hưởng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện trên nguyên tắc đóng - hưởng. Phải quy định rõ thời gian tối thiểu tham gia là bao lâu mới được hưởng trợ cấp, vì sẽ có trường hợp bị TNLĐ ngay trong tháng đầu tham gia.

Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, bày tỏ xây dựng nghị định là cần thiết để thực hiện an sinh xã hội, kịp thời hỗ trợ lao động tự do - người không có hợp đồng lao động được hưởng mức trợ cấp khi chẳng may bị TNLĐ.

Bên cạnh đó, ông đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm mức hỗ trợ của Nhà nước cho NLĐ tham gia quỹ, bởi với mức hỗ trợ như dự thảo thì người nghèo vẫn phải chi số tiền lớn để tham gia.

“Đa số người nghèo là người hay gặp TNLĐ và ít có khả năng được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ y tế. Vì vậy, chúng tôi đề nghị tăng mức hỗ trợ cho người thuộc hộ nghèo là 50%, hộ cận nghèo là 30% và 10% cho các đối tượng khác…” - ông Định đề nghị.

“Tôi làm nghề xây dựng nhiều năm và không có hợp đồng lao động, nguy cơ TNLĐ rất cao. Nếu chính sách này ra đời sẽ giúp tôi yên tâm hơn khi làm việc. Tôi cũng mong Nhà nước đưa ra mức đóng phù hợp hơn vì mức 32.500 đồng/tháng như dự thảo là cao với chúng tôi” - anh Nguyễn Văn Cương (40 tuổi, ngụ Quảng Trị) nói.•

Sẽ điều chỉnh mức đóng và mức hỗ trợ

Bộ LĐ-TB&XH cho biết với mức hỗ trợ của Nhà nước 10%-30%, giả sử trong những năm đầu tiên có khoảng 200.000 người tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện thì mức hỗ trợ tương ứng khoảng 20 tỉ đồng/năm.

Với kỳ vọng số lao động tự do tham gia tương đương với bảo hiểm tự nguyện về hưu trí, tử tuất khoảng 1,6 triệu người, qua tính toán sơ bộ, ngân sách nhà nước hỗ trợ sẽ là 90 tỉ đồng/năm.

Dự kiến sau ba năm triển khai, trên cơ sở tính toán cân đối quỹ sẽ đề xuất điều chỉnh mức đóng, mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước, các chế độ hưởng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện cho phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm