Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo nghị định quy định về BHXH tai nạn lao động (TNLĐ) tự nguyện với người lao động (NLĐ) làm việc không theo hợp đồng. Theo đó, đề xuất NLĐ tự do không theo hợp đồng là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên được tham gia bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện.
Chỉ cần đóng 65.000 đồng/tháng
Có bốn phương thức đóng Quỹ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện để NLĐ lựa chọn là một tháng, ba tháng, sáu tháng và 12 tháng. Dựa trên tính toán cân đối thu chi, dự kiến mức đóng sẽ bằng 2% mức lương tối thiểu vùng 4 do Chính phủ quy định. Lý do là ở khu vực BHXH tự nguyện, thu nhập của NLĐ không cố định trong khi mức hưởng các chế độ lại tương đối cố định theo mức lương cơ sở.
Người lao động đang làm thủ tục nhận hỗ trợ tại cơ quan BHXH. Ảnh: VIẾT LONG |
Hiện nay, lương tối thiểu vùng 4 đang là 3,25 triệu đồng, như vậy NLĐ phải đóng 65.000 đồng/tháng. Theo Bộ LĐ-TB&XH, số tiền đóng của đối tượng này thấp hơn mức đóng của NLĐ tham gia BHXH bắt buộc về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp là do họ chỉ được hưởng chế độ TNLĐ, không có chế độ bệnh nghề nghiệp.
Quỹ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện sẽ được hỗ trợ một phần từ Nhà nước, sinh lời đầu tư quỹ và nguồn thu hợp pháp khác. Nhà nước sẽ hỗ trợ 30% nếu lao động tự do thuộc hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn. Hộ cận nghèo hưởng mức 25% so với chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn hoặc hộ nghèo thiếu hụt tiêu chí BHYT. Những đối tượng còn lại được Nhà nước hỗ trợ 10%.
33 triệu là số NLĐ làm việc tự do ở nước ta tính đến hết quý I-2023 theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH.
“Phương án này tương tự mức hỗ trợ quy định trong chế độ BHXH tự nguyện về hưu trí, tử tuất. Tuy nhiên, dự kiến trong năm năm đầu triển khai, hằng năm ngân sách hỗ trợ tiền đóng 23-256 tỉ đồng nếu số người tham gia khoảng 200.000 người…” - Bộ LĐ-TB&XH phân tích.
Bảo đảm quyền lợi của NLĐ
Với mức đóng dự kiến trên, NLĐ khi không may gặp tai nạn trong quá trình làm việc sẽ nhận trợ cấp một lần hoặc hằng tháng. Các mức trợ cấp dự kiến tính theo lương cơ sở mới 1,8 triệu đồng/tháng có hiệu lực từ ngày 1-7-2023.
Về trợ cấp một lần, nếu NLĐ gặp tai nạn khi làm việc và suy giảm sức khỏe từ 5% trở lên sẽ được hưởng năm lần mức lương cơ sở, cứ giảm thêm 1% thì hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Ngoài ra, người đóng từ năm thứ hai trở đi được tính thêm 0,3 lần mức lương cơ sở. Thân nhân hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở (tức 64,8 triệu đồng) nếu NLĐ tử vong trong quá trình làm việc.
Về trợ cấp hằng tháng, lao động tự do bị giảm 31% khả năng lao động được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó nếu giảm thêm 1% thì hưởng thêm 2% mức lương cơ sở. Ngoài ra, người đóng một năm trở xuống hưởng trợ cấp bằng 0,5 lần mức lương cơ sở, người đóng nhiều năm nhận thêm 0,3 lần mức lương cơ sở/năm (từ năm thứ hai trở đi). Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH còn đề xuất NLĐ bị TNLĐ được cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.
Lý do đưa ra đề xuất trên được Bộ LĐ-TB&XH lý giải là do có nhiều NLĐ trong khu vực tự do bị TNLĐ nghiêm trọng trong quá trình lao động. Đơn cử như chỉ tính riêng số người làm việc không theo hợp đồng lao động bị tử vong do TNLĐ trong năm năm qua, bình quân mỗi năm trên 2.000 người, gấp gần hai lần khu vực NLĐ có quan hệ lao động. Khi bị TNLĐ, những người này cũng cần được chữa trị và có các khoản hỗ trợ để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện hiện đã có các sản phẩm bảo hiểm thương mại. Tuy nhiên, mục tiêu của bảo hiểm thương mại là lợi nhuận nên có những hạn chế nhất định. “Vì vậy cần xây dựng các chế độ BHXH tự nguyện về TNLĐ trên cơ sở khắc phục các hạn chế của bảo hiểm thương mại, đồng thời kế thừa tính ưu việt của BHXH bắt buộc về TNLĐ trong việc bảo đảm an sinh xã hội...” - Bộ LĐ-TB&XH nêu quan điểm.
Theo thống kê, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết hưởng mới trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp hằng tháng và một lần cho trên 8.100 NLĐ trong năm 2022 và gần 1.700 NLĐ trong ba tháng đầu năm 2023.
Ngoài ra, Quỹ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp hằng năm còn dành nguồn thu để chi hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Năm 2022, tổng số tiền chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là hơn 1,4 tỉ đồng, tăng 30% so với năm 2021. Trong ba tháng đầu năm 2023, con số này là 269 triệu đồng.