Đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 38 km kết nối Khu công nghiệp Mỹ Phước (Bình Dương) với Đồng Nai và TP.HCM là tuyến huyết mạch để vận chuyển hàng hóa, những phương tiện qua đây chủ yếu là xe container, xe tải nặng và hơn chục người tới các xe dừng đèn đỏ để bán nước, vé số.
Chị Lê Nguyễn Thoại Ngân (quê Bến Tre) hằng ngày ôm đứa trẻ chưa đầy hai tuổi ra giữa đường bán vé số. Ảnh: LÊ ÁNH
Đánh cược với tính mạng…
Nhiều người đi xe máy qua tuyến đường này luôn nơm nớp sợ vì nhiều xe container, xe tải chạy với tốc độ cao, đôi khi lấn tuyến và thực tế đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra.
Thế nhưng xung quanh khu vực ngã tư giao nhau giữa đường Mỹ Phước - Tân Vạn và đường ĐT 743 (phường An Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương) hằng ngày vẫn có hàng chục người già có, trẻ có, có người ôm cả con nhỏ để đi bán bất chấp nguy hiểm, len lỏi những dòng phương tiện trên để mưu sinh. Chỉ cần một tín hiệu còi hay một cái vẫy tay báo hiệu của tài xế là họ lao ra giữa dòng xe…
Họ mưu sinh ở giữa các làn xe ô tô
Giữa cái nắng chang chang, bà Trần Thị Út (58 tuổi, ngụ Bình Dương) vẫn len lỏi vào dòng xe trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn để bán nước chanh dây. Mặc dù đã già, đi lại chậm chạp, khó khăn thế nhưng để bán được nước, bà Út vẫn cố len lỏi vào dòng xe. “Sợ lắm chứ nhưng muốn bán được thì phải xuống đường vì đứng một chỗ thì bán được ít lắm. Biết là nguy hiểm đấy nhưng mà như thế mình mới kiếm được tiền” - bà Út chia sẻ.
Một trường hợp khác, không có ai trông con nên chị Lê Nguyễn Thoại Ngân (quê Bến Tre) hằng ngày ôm đứa trẻ chưa đầy hai tuổi ra giữa đường để bán vé số.
Cuối chiều, mặt trời vẫn như hắt lửa, thấy đứa bé cùng người mẹ phải luồn lách vào giữa các làn xe để mời chào cánh tài xế, nhiều người không khỏi xót xa. Nhiều lúc con khát sữa, người mẹ này lại bỏ con vào xe nôi để trên dải phân cách cho con uống sữa rồi một mình lách qua các làn xe để tranh thủ bán cho hết vé, kịp giờ xổ. “Biết là nguy hiểm nhưng vẫn phải làm thôi, không có ai trông con, tôi đành phải đưa bé đi cùng. Nhiều lúc cũng sợ lắm chứ nhưng chẳng còn cách nào khác” - chị Ngân tâm sự.
Chị Ngân bộc bạch thêm: “Nhiều lúc đang bán thì đèn chuyển xanh, bị mắc kẹt giữa các dòng xe đang chạy. Lúc đó cũng hoảng, tôi chạy thật nhanh để thoát ra ngoài. Mấy ông tài xế la quá trời”.
Không biết nguy hiểm sẽ ập đến lúc nào
Một tài xế xe tải cho biết chứng kiến những người đi ra giữa đường để bán thấy vừa thương vừa lo. “Họ bán như vậy không những nguy hiểm cho chính họ mà cánh tài xế chúng tôi cũng nơm nớp lo sợ, chỉ cần sơ suất không để ý hoặc khuất tầm nhìn một cái là không biết chuyện gì sẽ xảy ra” - ông chia sẻ.
Họ quên mất chỉ một phút sơ sẩy hậu quả khôn lường
Theo ghi nhận của PV sau gần một ngày có mặt tại khu vực này, nếu liên tục đi ra giữa đường, đến tận cửa xe để bán thì số lượng nước bán được của mỗi người từ vài chục đến hơn 100 ly/ngày. Còn nếu không liều lĩnh như thế thì số lượng bán được chỉ 1/3 vì hầu hết các tài xế không thể ghé vào để mua.
“Mặc dù đến nay vẫn chưa có sự việc nào đáng tiếc xảy ra, thế nhưng ai dám chắc sẽ không có chuyện gì xảy ra nếu như hằng ngày họ vẫn lao ra trước đầu những hung thần xa lộ thế kia...” - một người đi đường nói.
Khó xử lý… Thực tế cho thấy rất nhiều tài xế có nhu cầu dùng nước và các thứ khác nhưng đang đi trên đường, không thể tấp vào lề để mua và những người bán hàng rong xuất hiện. Ông Quản Văn Bình, Chủ tịch UBND phường An Phú (thị xã Thuận An, Bình Dương), cho biết vì thấy bán được nên càng ngày càng có nhiều người ra bán theo kiểu này, bất chấp cảnh báo nguy hiểm của chính quyền địa phương. Theo ông Bình, mặc dù địa phương đã nhiều lần nhắc nhở, nhiều lần đưa lực lượng đi dẹp nhưng rồi tình trạng này vẫn tái diễn. “Bán hàng như vậy không những nguy hiểm cho chính người bán mà còn ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Thế nhưng họ là người đi bộ, rất khó để xử lý, dẹp rồi đâu lại vào đấy” - ông Bình nói. |