Bộ GTVT vừa trình dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong đó, đáng chú ý là tại Điều 12 về quy định thiết bị giám sát hành trình của xe đã bổ sung quy định và lộ trình lắp camera. Quy định này nếu áp dụng sẽ tác động lên trên 340.000 phương tiện kinh doanh vận tải. Ngay sau khi dự thảo được công bố, dư luận bày tỏ đồng thuận về chủ trương này nhưng cho rằng cần phải có lộ trình phù hợp.
Ông NGUYỄN VĂN ĐỨC, tài xế chạy tuyến Sài Gòn-Nha Trang:
Có camera, tài xế tăng trách nhiệm
Việc lắp đặt camera trên ô tô sẽ điều chỉnh hành vi của tài xế, buộc họ làm việc với tinh thần, thái độ tốt hơn.
Thực ra chỉ tài xế nào làm việc không tốt hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm mới sợ lắp camera.
Có camera thì việc nhồi nhét khách, đón khách dọc đường, đi tốc độ cao… sẽ không còn nữa.
Bên cạnh đó, phía hậu xe và hai bên gương hậu đều lắp đặt camera sẽ không chỉ giám sát hành trình xe chạy mà còn hạn chế tình trạng cán bộ giao thông xuống đường nhũng nhiễu.
Ông QUÁCH HÔN, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Tuyết Hon, Kiên Giang:
Nên thử nghiệm trước
Việc lắp camera cả ở trong xe và ngoài xe theo tôi là tốt vì qua đó doanh nghiệp (DN) có thể quản lý được tài xế, nhân viên trong suốt hành trình di chuyển. Cụ thể, nhờ camera mà đơn vị có thể theo dõi thái độ phục vụ của tài xế, nhân viên đối với hành khách có tốt hay không; tài xế chạy có đúng tốc độ, có vi phạm các quy định do đơn vị đưa ra không… Từ đó đơn vị sẽ rút kinh nghiệm, nâng cao tinh thần phục vụ của hãng đối với khách hàng. Đối với những trường hợp tài xế vi phạm trong quá trình lái xe thì đơn vị sẽ nhắc nhở, rút kinh nghiệm hoặc xử phạt nếu thấy cần thiết.
Tuy nhiên, việc lắp đặt camera trên ô tô cần có lộ trình. Theo tôi, trước mắt nên lắp thử nghiệm trên một số hãng xe và tuyến đường nhất định trong một thời gian. Từ đó rút ra những ưu và nhược điểm để DN cân nhắc việc lắp đặt. Tiếp theo, lộ trình lắp đặt cần tạo điều kiện tối đa về thời gian cho DN bởi không phải DN nào cũng có đủ điều kiện kinh tế để lắp đồng loạt camera. Cụ thể, một xe cần có 5-7 cái (khoảng 20 triệu đồng/xe), như vậy một hãng xe thì có thể lên đến vài trăm triệu đồng, đây thực sự là khó khăn của các DN. Theo tôi, nên cho DN khoảng một năm để trang bị các thiết bị này.
Các tài xế sẽ có trách nhiệm hơn khi được lắp đặt camera trên xe ô tô. Ảnh: GT
Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM:
Cần ủng hộ của doanh nghiệp
Nếu các DN vận tải hành khách và hàng hóa lắp đặt camera cho các phương tiện thì đó thực sự là một biện pháp hữu hiệu để quản lý và nhắc nhở các tài xế trong quá trình lái xe. Khi đó, các tài xế sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình sao cho đúng mực nhằm đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình lưu thông.
Sở dĩ tôi nói như vậy vì tôi cũng từng xem các clip trên mạng xã hội và thấy có việc tài xế lái xe bằng chân, vừa lái xe vừa coi phim, hút thuốc lào khi đang lái… Trong khi tính mạng của hành khách phụ thuộc hoàn toàn vào tài xế. Vì vậy, việc lắp đặt camera cho phương tiện là cần thiết, tài xế hay nhân viên vi phạm hết đường cãi.
Tuy nhiên, việc lắp đặt camera sẽ gây tốn kém cho các DN, đặc biệt là các DN vận tải có lượng xe lớn.
Tôi nghĩ các DN nên ủng hộ chủ trương này vì đây sẽ là một công cụ quản lý hữu hiệu cho chính các DN. Tuy nhiên, việc lắp đặt này cần có lộ trình để các DN vận tải có thời gian chuẩn bị.
Ông PHẠM VĂN ĐIỆP, hành khách, ngụ quận 2, TP.HCM:
Ngăn cán bộ giao thông “làm luật”
Tôi thường xuyên đi công tác nên đa phần đều phải sử dụng ô tô làm phương tiện di chuyển. Qua các chuyến đi, tôi không ít lần bị choáng bởi nhiều hãng xe cứ vô tư nhồi nhét khách khiến xe luôn trong tình trạng quá tải.
Chưa kể nhiều tài xế lái với tốc độ cao, bất chấp biển báo giao thông khiến hành khách sợ xanh mặt. Có lẽ những ô tô này đều chưa được lắp đặt camera nên tài xế mới dám làm những việc thiếu trách nhiệm như vậy.
Vì thế, việc lắp đặt camera theo tôi là hết sức cần thiết. Đó là phương tiện để quản lý các tài xế trong suốt hành trình của mình.Ngoài ra, có camera cũng có thể góp phần ngăn chặn tình trạng một số cán bộ ngành giao thông, cảnh sát giao thông “làm luật”.
Gia tăng xe tư nhân lắp camera Có thể thấy nhu cầu lắp đặt camera giám sát hành trình trên ô tô đang ngày càng trở nên phổ biến. Hiện không chỉ xe của cơ quan mà cả tư nhân cũng lắp đặt thiết bị này. Về cơ bản, camera giám sát hoạt động theo cơ chế ghi và xóa liên tục, khi đầy bộ nhớ thiết bị sẽ tự động xóa các tập tin cũ. Hiện tại, trên thị trường có rất nhiều loại camera với đủ mọi mẫu mã, thương hiệu và tính năng. Đơn cử như các sản phẩm của Vantech (Việt Nam), Questek (Đài Loan), Kbvision (Mỹ), Tenda (Trung Quốc), Panasonic (Nhật Bản)… Giá thành của camera analog (có dây) thường khá cao do phải gắn theo bộ và chi phí mua thêm đầu ghi, ổ cứng lưu trữ; trong khi đó giá camera ip (không dây) chỉ dao động từ vài trăm ngàn đến 4 triệu đồng. Có thể nói camera giám sát đóng vai trò như một hộp đen thứ hai trên ô tô. Ngoài việc đảm bảo an toàn cho người lái, trong một số trường hợp thiết bị còn giúp bảo vệ quyền lợi của tài xế, nhất là khi xảy ra va chạm. MINH HOÀNG |