Ngoài ra, TP cũng chấp thuận chủ trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống kho lưu trữ và trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác lưu trữ và bảo quản hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật; thực hiện dự án xây dựng khu trưng bày chuyên đề đa năng và phòng trải nghiệm cho các em học sinh (trên phần đất 400m2 hoán đổi từ trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm), dự án tu bổ di tích Bảo tàng Lịch sử và dự án tu bổ Đền thờ Hùng Vương (trong khuôn viên Thảo Cầm Viên). Đồng thời bố trí vốn để thực hiện dự án mở rộng khối nhà trưng bày của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng chấp thuận chủ trương đầu tư hệ thống chống sét tại các Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng TP, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.
TP.HCM hiện nay có 13 bảo tàng, trong đó có 7 bảo tàng do Sở ngành quản lý, như: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng Lịch sử thành phố…
Từ nhiều năm qua, các bảo tàng này được xem là những địa điểm “hot” để các công ty lữ hành giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước lựa chọn tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của TP.HCM . Tuy nhiên, do những bảo tàng này đều được xây dựng từ trước giải phóng, lại chưa được trùng tu sửa chữa lần nào nên đa phần cơ sở vật chất đã xuống cấp trầm trọng.
Cùng Pháp Luật TP.HCM tìm hiểu qua một số bảo tàng:
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh
Ngày 3-8-1858 thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược đặt ách thống trị thuộc địa lên đất nước Việt Nam. Trong gần 100 năm nhân dân Việt Nam đã anh dũng tiến hành cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Ngày 2-9-1945, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp, khẳng định quyền độc lập tự do của nhân dân Việt Nam. Nhưng thực dân Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ tiếp tục tiến hành chiến tranh xâm lược, âm mưu khôi phục ách thống trị và thiết lập chế độ thực dân kiểu mới ở Việt Nam. Trong suốt 30 năm, nhân dân Việt Nam lại phải kiên cường chiến đấu với biết bao hy sinh gian khổ để bảo vệ nền độc lập tự do của mình.
Ngày 30-4-1975, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn: hòa bình, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc được khôi phục.
Để lưu lại những chứng tích anh hùng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống các thế lực xâm lược, đồng thời để tố cáo những tội ác và nêu bật những hậu quả tàn khốc của cuộc chiến tranh xâm lược, ngày 4-9-1975 Nhà Trưng bày tội ác Mỹ - Ngụy được mở cửa phục vụ công chúng. Sau đó, Nhà Trưng bày tội ác Mỹ - Ngụy được đổi tên thành Nhà Trưng bày Tội ác Chiến tranh xâm lược (ngày 10-11-1990) trước khi trở thành Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (ngày 4-7-1995), tọa lạc tại 28 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3.
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, tại 97A Phó Ðức Chính, quận 1, trước đây là tư dinh của thương nhân gốc Hoa Hứa Bổn Hòa, một trong những người giàu có và nổi tiếng nhất Sài Gòn những năm đầu thế kỷ 20.
Tòa nhà được xây dựng trên tổng diện tích 3.514m² theo phong cách kiến trúc Art-deco - kiểu kiến trúc kết hợp hài hòa giữa hai trường phái mỹ thuật châu Á và châu Âu. Mái nhà lợp ngói âm dương màu đỏ, những viên ngói diềm mái được tráng men viền màu xanh lục. Các ô cửa sổ của tòa nhà lắp kính màu có hoa văn mang đậm phong cách nghệ thuật châu Âu. Sàn nhà lát gạch bông với kiểu dáng, hoa văn đa dạng, riêng cầu thang lát đá cẩm thạch... Bảo tàng là công trình đầu tiên ở Sài Gòn có thang máy. Buồng thang máy được làm bằng gỗ, trang trí và chạm trổ như một chiếc kiệu cổ của Trung Quốc.
Năm 1987, tòa nhà được UBND TP.HCM cải tạo thành bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và chính thức mở cửa phục vụ du khách vào năm 1989. Trong số các bức tranh trưng bày tại bảo tàng, có bức sơn mài khổ lớn Vườn xuân Bắc Trung Nam của danh họa Nguyễn Gia Trí. Đây được coi là báu vật quốc gia.
Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ
Ra đời ngày 29-4-1985, đến nay Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ – số 202 Võ Thị Sáu, phường 7, quận 3, TP.HCM - đã trở thành một địa chỉ quen thuộc với khách tham quan trong nước, nhất là các tầng lớp phụ nữ và khách nước ngoài đến tham quan TP.HCM.
Tiền thân của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ là Nhà truyền thống phụ nữ Nam bộ được xây dựng theo tâm nguyện và ý chí của các thế hệ phụ nữ đi trước nhằm giữ gìn, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống tốt đẹp của Phụ nữ Việt Nam cho các thế hệ mai sau.
Bảo tàng hiện quản lý 31.360 hiện vật. Trong đó có 30.431 hiện vật trong kho và 929 hiện vật đang trưng bày; 16.739 hiện vật thể khối và 14.621 phim, ảnh, tài liệu khoa học phụ các loại; gần 2/3 là hiện vật loại hình chiến tranh cách mạng với hơn 1/3 là hiện vật văn hóa bao gồm nhiều chất liệu. Các hiện vật được chia thành 24 sưu tập theo chủ đề hoặc theo chất liệu, trong đó có 6 sưu tập hiện vật quí hiếm.
Hầu hết hiện vật được bảo quản theo đúng hướng dẫn của Cục Di sản Văn hóa theo từng chất liệu với ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm thích hợp. Hiện vật được quản lý trong máy tính theo phần mềm do Cục Di sản hướng dẫn. Mỗi năm có tiến hành xịt mối mọt, bảo quản thường xuyên và bảo quản định kỳ hiện vật. Ngoài ra, thư viện của bảo tàng có trên 11.000 đầu sách chuyên đề về phụ nữ.
Bảo tàng Tôn Đức Thắng
Bảo tàng Tôn Đức Thắng được thành lập nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 – 20-8-1988). Bảo tàng ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu tìm hiểu, nghiên cứu học tập về Bác Tôn của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân miền Nam nói riêng và đặc biệt là nhân dân TP.HCM. Bởi lẽ, Bác Tôn - người con ưu tú của nhân dân Nam bộ, người công nhân ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Sài Gòn - Chợ Lớn, là tấm gương, niềm tự hào của nhân dân Nam bộ thành đồng.
Hơn nữa, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đặt tại TP.HCM cũng mang ý nghĩa đặc biệt vì phong trào đấu tranh của công nhân, nhân dân lao động Sài Gòn vào những năm đầu thế kỷ XX khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa ra đời luôn gắn liền với tên tuổi Tôn Đức Thắng - người tham gia sáng lập tổ chức Công hội bí mật.
Là bảo tàng lưu niệm danh nhân, Bảo tàng Tôn Đức Thắng là nơi duy nhất trong cả nước giới thiệu khá đầy đủ và có hệ thống về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng thông qua 5 chủ đề chính ở các phòng trưng bày thường trực và 1 phòng trưng bày chuyên đề ngắn hạn. Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã và đang góp phần giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cho giai cấp công nhân, nâng cao lòng tự hào dân tộc trong quần chúng nhân dân và thế hệ trẻ Việt Nam với niềm ngưỡng mộ, tôn vinh con người vĩ đại mà bình dị.
Bảo tàng TP.HCM
Bảo tàng TP.HCM, tọa lạc 65 Lý Tự Trọng, quận 1, trên khuôn viên rộng 2 ha, giới hạn bởi bốn con đường Lý Tự Trọng, Pasteur, Lê Thánh Tôn và Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Tòa nhà do kiến trúc sư người Pháp - Foulhoux vẽ kiểu và thiết kế, được xây dựng năm 1890 theo kiểu cổ điển - phục hưng: mặt tiền của tầng lầu mang đường nét Tây phương, nhưng phần mái lại mang dáng dấp Á Đông. Mục đích ban đầu của tòa nhà là Bảo tàng Thương mại trưng bày những sản vật trong nước. Vì thế ở hai bên cửa chính có hai tượng nữ thần Thương nghiệp và Công nghiệp và các phù điêu trang trí đắp nổi đều lấy biểu tượng thần thoại Hi Lạp cùng với cây cỏ và thú vật vùng nhiệt đới. Nhưng khi xây xong, tòa nhà trở thành tư dinh Thống đốc Nam kỳ Henri Eloi Danel.
Sau ngày 30-4-1975 ít lâu, UBND TP quyết định sử dụng toà nhà này làm Bảo tàng Cách mạng TP.HCM ngày 12-8-1978, đến ngày 13-12-1999 được đổi tên thành Bảo tàng TP.HCM như hiện nay.