Chỉ cần gõ từ khóa “bùng nợ” trên mạng xã hội lập tức sẽ có hơn 100 group hiện ra. Đáng nói là những hội nhóm này có lượng thành viên tham gia cực khủng. Ví dụ hội “Chuyên tư vấn bùng nợ - xóa nợ xấu” có tới 132.000 thành viên; hội “Bùng app vay tiền và cách đối phó” có tới 107.000 thành viên…
Ngang nhiên khoe chiến tích bùng nợ
Trên Facebook, một người dùng tên TQ đăng bài viết: “Mới bùng nợ vài ngày mà giờ bị gọi nhắc quá, có cách nào bùng hướng dẫn với”. Ít phút sau, các bình luận được để lại “Inbox để tư vấn cách bùng”, “Bùng thoải mái, đừng nghe máy là được”, “Bùng nợ không sao đâu”...
Một tài khoản khác cho biết mua trả góp điện thoại qua công ty tài chính hơn 20 triệu đồng nhưng đã quá hạn hai tháng không trả nợ và thắc mắc “nếu không trả thì sẽ như thế nào?”. Đáng ngạc nhiên là bên dưới bài đăng này, hàng chục dòng bình luận khẳng định “không sao đâu”, “bùng thoải mái”, “càng trả càng nợ, bùng là hết nợ”.
Thậm chí nhiều thành viên trong các hội nhóm không ngại khoe chiến tích bùng nợ của mình và coi đó như một bằng chứng để quảng cáo, mời chào các thành viên nhẹ dạ sử dụng dịch vụ hỗ trợ trốn nợ, xóa nợ.
Theo ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), cho biết có hai lý do chính dẫn tới tình trạng rủ nhau bùng nợ đó là việc các công ty tài chính bị đánh đồng với các tổ chức tín dụng đen và khách hàng cố tình bùng nợ. Đáng lo ngại hơn, việc bùng nổ các app cho vay tiêu dùng giả danh các công ty tài chính khiến cho góc nhìn của nhiều người đối với công ty tài chính được cấp phép trở nên méo mó.
“Hàng loạt hội nhóm ra đời chia sẻ cách thức trốn nợ, người trước mách nước cho người sau làm méo mó và tạo ra hệ lụy lớn cho cho thị trường cũng như các công ty tài chính” - ông Ninh cảnh báo.
Ảnh hưởng trực tiếp đến người vay
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), các công ty tài chính tiêu dùng thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, nhất là trong hoạt động thu nợ trước thực trạng bùng nợ ngày càng gia tăng. Thậm chí nhiều đối tượng có hành vi thách thức, đe dọa cán bộ thu hồi nợ khi bị nhắc nợ.
“Việc này dẫn đến tỉ lệ khách vay không trả nợ ngày càng cao. Trong khi đó, chế tài với những khách hàng này chưa có và việc khởi kiện lại khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp” - VNBA nêu thực tế.
Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng việc khách hàng bùng nợ tràn lan gây tác động xấu tới thị trường. Cụ thể, các công ty tài chính tiêu dùng buộc phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý.
Ngoài ra, theo quy định của cơ quan quản lý, các tổ chức cho vay bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu thực tế, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh doanh. Hậu quả là lãi suất cho vay bắt buộc phải được điều chỉnh tăng, qua đó tác động trực tiếp đến người vay tiền chân chính.
Thị trường vay tiêu dùng méo mó
Báo cáo tại hội thảo về gỡ khó cho vay tiêu dùng vừa diễn ra ở Hà Nội nêu rõ thời gian qua, 16 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tạo điều kiện thuận lợi để người lao động có thu nhập thấp, dưới chuẩn tín dụng tiếp cận được vốn, hạn chế tín dụng đen.
Thế nhưng đến nay hầu như các công ty tài chính đều gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nợ xấu bình quân của các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép đã lên đến 8%-10%, cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%. Nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao, thị trường vay tiêu dùng méo mó.
“Đây là hiện tượng đáng báo động, rất nguy hiểm ảnh hưởng đến an toàn hệ thống công ty tài chính tiêu dùng và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Các công ty tài chính tiêu dùng hoang mang lo sợ, không dám mở rộng cho vay nữa, dẫn đến người dân có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận được vốn vay từ công ty tài chính tiêu dùng nên đành vay tín dụng đen. Minh chứng là hiện nay dư nợ 16 công ty tài chính tiêu dùng trên còn hơn 135.000 tỉ đồng, giảm khoảng 15.000 tỉ đồng so với cuối năm 2022” - đại diện VNBA nêu.
Cần có luật riêng cho tài chính tiêu dùng
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh, cho rằng việc lập hội nhóm bùng nợ, kích động bùng nợ… có thể bị xử lý, xử phạt hành chính. Nếu cố tình vi phạm, cố tình không trả nợ thì có thể xem xét yếu tố hình sự với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Như vậy, các quy định chế tài với hành vi này đã có.
Ông Truyền cũng cho rằng gần như 16 công ty tài chính chính thống chưa sử dụng tòa án để giải quyết vấn đề thu hồi nợ. Lý do nợ cho vay tiêu dùng rất nhỏ, trong khi chi phí, thời gian cho một phiên tòa giải quyết tranh chấp nợ lại lớn. Vì vậy, ông đề xuất xem xét cho phép dịch vụ đòi nợ chuyên nghiệp để khắc phục tình trạng bùng nợ. “Phải chuyên nghiệp hóa đội ngũ đòi nợ” - ông Truyền nói.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho rằng hành lang pháp lý với lĩnh vực vay tiêu dùng tuy có nhưng chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ. Vì vậy, ông đề nghị cơ quan chức năng cần phải phân tách các nhóm tổ chức tín dụng cho vay. Cụ thể là cần có luật riêng cho ngân hàng thương mại và luật riêng cho các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, trong đó có cho vay tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần phải hoàn thiện hơn nữa chuẩn mực với hoạt động cho vay tiêu dùng cũng như trả nợ, đòi nợ.
“Ở Việt Nam, nhiều người đang có quan niệm sai lầm rằng: Lỗi luôn thuộc về người cho vay chứ không phải người vay, giống như khi va chạm xảy ra giữa ô tô và người đi bộ thì lỗi luôn thuộc về người lái ô tô. Rõ ràng chúng ta có quan niệm chưa công bằng về quyền lợi, trách nhiệm giữa bên vay và bên cho vay, vì vậy cần luật hóa để công bằng hơn” - TS Cấn Văn Lực giải thích.
Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI:
Cần xử một số vụ để làm gương
Tôi cho rằng cần nhấn mạnh quan điểm “có vay, có trả”, công dân phải tôn trọng cam kết và tuân thủ pháp luật. Nếu vay mà cố tình không muốn trả, rủ nhau bùng nợ là vi phạm pháp luật.
Ở Trung Quốc, những người như vậy sẽ bị hạn chế rất nhiều quyền lợi. Còn ở Việt Nam, với những trường hợp bùng nợ thì các công ty cho vay cũng không làm được gì cả, nếu có kiện ra tòa thì tiền nợ đòi được cũng không đủ để trả chi phí tố tụng. Cho nên những công ty cho vay nói chung và những cá nhân cho vay lẻ tẻ nói riêng rất ngại để cơ quan chức năng xử lý.
Hệ quả là nhiều người bùng nợ một cách ngang nhiên. Khi những người bùng nợ hùa với nhau, kích động nhiều người để cùng bùng nợ thì đây không còn là việc bội ước bình thường mà đó là vi phạm pháp luật.
Luật của Việt Nam đã quy định rất rõ về vấn đề này. Ví dụ tại Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định: Những người vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả… là vi phạm pháp luật.
Nhưng vấn đề là ai xử? Theo tôi, các cơ quan chức năng nên xử nhiều vụ để làm gương, đó là những người có khả năng trả nợ nhưng chây ì không trả. Đặc biệt là xử nặng những người kích động mọi người bùng nợ trên các hội nhóm. Khi các cơ quan chức năng tập trung sức lực, nhân sự cùng làm quyết liệt thì mới có thể ngăn chặn và chấm dứt được tình trạng này.