Ngày 17-3, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Lê Quốc Khánh và các đồng phạm cưa gỗ trắc chết khô tại rừng đặc dụng Đăk Uy, bị TAND tỉnh Kon Tum xét xử tội trộm cắp tài sản (Pháp Luật TP.HCM gọi là vụ án cưa gỗ khô).
Xử tội trộm cắp tài sản là không đúng pháp luật
Theo kháng nghị, bản án phúc thẩm (lần ba của TAND tỉnh Kon Tum) đã có hiệu lực pháp luật. Đến nay, các bị cáo đều chấp hành xong hình phạt tù. Tuy nhiên, các bị cáo liên tục có đơn gửi VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị xem xét thủ tục giám đốc thẩm, cho rằng họ không phạm tội.
Kháng nghị cho rằng tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi cưa cây gỗ trắc khô thì BLHS 1999 đang có hiệu lực pháp luật. Để hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS 1999 về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, ngày 8-3-2007, liên ngành Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 19/2007 (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 19).
Năm công dân từng được tuyên trắng án rồi lại bị kết án trong vụ cưa gỗ khô nói dù vui trước tin được kháng nghị nhưng vẫn lo lắng về phiên tòa giám đốc thẩm sắp tới. Ảnh: NGÂN NGA
Tại điểm a tiết 1.1 tiểu mục 1 phần IV của Thông tư liên tịch số 19 hướng dẫn hành vi “khai thác trái phép cây rừng ở rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép...” là “khai thác trái phép cây rừng” và bị xử lý về tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng (Điều 175 BLHS).
Việc áp dụng Chương XIV Các tội xâm phạm sở hữu của BLHS 1999 để xử lý hành vi khai thác trái phép cây rừng và các hành vi khác vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác, bảo vệ rừng được hướng dẫn tại tiết 1.2 tiểu mục 1 phần IV của Thông tư liên tịch số 19 như sau: “Trường hợp khai thác trái phép rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao cho tổ chức, tập thể, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp mà người được giao đã bỏ vốn đầu tư trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ... thì xử lý như sau:
Nếu chủ rừng khai thác cây rừng trái phép thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 175 của BLHS.
Nếu người khai thác cây rừng trái phép mà không phải là chủ rừng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều luật tương ứng quy định tại Chương XIV Các tội xâm phạm sở hữu của BLHS…
Đối với rừng đặc dụng Đăk Uy, mặc dù UBND tỉnh Kon Tum có đầu tư xây dựng hàng rào và thành lập ban quản lý nhưng không phải vì thế mà rừng đặc dụng trở thành rừng trồng hay rừng khoanh nuôi tái sinh. Việc thành lập Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy là hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp, hoàn toàn không phải là quyết định “giao cho tổ chức, tập thể, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp” nên hành vi của các bị cáo không thuộc trường hợp quy định tại tiết 1.2 tiểu mục 1 phần IV của Thông tư liên tịch số 19.
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo về tội trộm cắp tài sản tại chương Các tội xâm phạm sở hữu của BLHS 1999 là không đúng pháp luật.
Kháng nghị đề nghị hủy hai bản án kết tội
Như vậy, các bị cáo có hành vi khai thác trái phép cây rừng, có dấu hiệu vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và phải bị xử lý về các tội vi phạm trật tự quản lý, bảo vệ rừng, bình đẳng như những người khác, không thể xử lý về tội trộm cắp tài sản là một tội phạm xâm phạm sở hữu.
Việc quy thành tiền và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo về tội trộm cắp tài sản là không đúng bản chất của sự việc, có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, gây bất lợi cho các bị cáo.
Từ các phân tích trên, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm số 38/2017/HSST ngày 27-9-2017 của TAND huyện Đăk Hà và bản án hình sự phúc thẩm số 15/2019/HSPT ngày 12-8-2019 của TAND tỉnh Kon Tum theo thủ tục giám đốc thẩm.
Kháng nghị của VKS đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến kháng nghị, Pháp Luật TP.HCMđã liên lạc qua điện thoại với lãnh đạo TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Vị này cho biết tòa đã nhận được quyết định kháng nghị của VKSND cùng cấp nhưng từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào liên quan đến vụ án.
Cạnh đó, Pháp Luật TP.HCM cũng đã liên lạc qua điện thoại với lãnh đạo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng. Vị này cho biết: “Việc ban hành kháng nghị theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Nếu tòa bác kháng nghị mà lập luận không đúng thì viện sẽ tiếp tục báo cáo lên cấp trên”.
Về thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về trình tự giám đốc thẩm của một vụ án, một kiểm sát viên cao cấp của VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng sau khi bản án phúc thẩm của tòa án tỉnh có hiệu lực pháp luật, TAND Tối cao có quyền ban hành kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu TAND Cấp cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm. Trong trường hợp TAND Cấp cao chấp nhận kháng nghị, hủy bản án phúc thẩm thì tòa án tỉnh phải xét xử phúc thẩm trở lại. Khi tòa tỉnh xét xử phúc thẩm lại, dù bản án đã có hiệu lực, viện trưởng VKSND Cấp cao vẫn có thẩm quyền ban hành kháng nghị giám đốc thẩm vụ án, đề nghị TAND Cấp cao cùng cấp xét xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại. Trường hợp TAND Cấp cao chấp nhận kháng nghị thì vụ án phải tiến hành điều tra lại từ đầu. Tuy nhiên, nếu TAND Cấp cao bác kháng nghị thì VKSND Cấp cao vẫn có quyền báo cáo lên VKSND Tối cao đề nghị viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm. Nếu VKSND Tối cao thấy vụ án có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm thì sẽ ban hành kháng nghị giám đốc thẩm quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao. |
“Khơi dậy niềm tin mãnh liệt vào công lý”
Anh Nguyễn Văn Bảy, người từng bị TAND tỉnh Kon Tum kết tội trong vụ án, cho biết: “Tôi rất mừng nhưng cũng chưa biết như thế nào về kết quả sắp tới đây. Từ trước đến nay, tôi chưa thấy tòa nào xử hành vi tương tự như chúng tôi ở tội trộm cắp tài sản cả. Việc tòa tỉnh Kon Tum kết án chúng tôi như vậy đã gây ra rất nhiều hệ lụy cho gia đình chúng tôi”.
Anh Bảy cho biết hiện tại ai thuê gì làm đó để kiếm tiền nuôi hai con nhỏ và cũng để có tiền gửi đơn, thư từ đi kêu oan. Anh biết việc vào rừng cưa gỗ chết khô là sai nhưng cái sai này bị đẩy lên cao tới mức bị xử lý hình sự không đúng đã làm cho anh rất đau lòng. Vừa rồi, anh gửi hồ sơ xin việc vào một nhà máy nhưng lại bị từ chối vì đã bị kết án tội trộm cắp tài sản.
“Cuộc sống của năm người chúng tôi khó khăn, ai có tiền thì góp vài ba trăm ngàn để đi gửi đơn, ai không có thì khỏi góp. Đau lòng nhất là trường hợp của anh Lê Quốc Khánh, sau khi ra tù đã phải bán cả nhà và rẫy để trả nợ cho ngân hàng rồi ra ngoài ở thuê” - anh Bảy nghẹn lời.
Anh Phan Tiến Dũng, nguyên kiểm lâm viên, người bị kết án, cho biết anh hy vọng sắp tới đây tòa cấp cao sẽ xét xử đúng theo quy định pháp luật. Anh Dũng sau khi ra tù đã bị cơ quan cho nghỉ việc. Hiện anh đi làm thuê cho mấy người bạn cách nhà 70 km. Lúc nào xin nghỉ làm được, anh lại khăn gói ra Đà Nẵng và Hà Nội kêu oan.
Luật sư-TS Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên thẩm phán TAND Tối cao), luật sư Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM), luật sư Nguyễn Thành Công, luật sư Lê Văn Hoan (cùng Đoàn Luật sư TP.HCM) và luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cùng bảo vệ cho năm bị cáo trước đây tỏ ra vô cùng vui mừng với quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng.
“Bản án phúc thẩm lần ba của TAND tỉnh Kon Tum tuyên các bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản đã kéo dài gần ba năm nay. Đã có lúc tôi tưởng như vụ này đã an bài rồi. Kháng nghị của VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng khơi dậy cho chúng tôi niềm tin mãnh liệt vào công lý, về sự đúng đắn của pháp luật Việt Nam” - luật sư Công nói.
Các luật sư cho biết đây không chỉ đơn thuần là đấu tranh kêu oan cho năm công dân mà cao hơn nữa là công lý không thể mất đi. Không thể thấy những công dân này không đủ căn cứ xử lý hình sự ở hành vi khai thác trái phép thì quy khúc gỗ chết khô ra tiền để kết tội họ vào tội trộm cắp tài sản.
Tòa từng tuyên cả năm bị cáo không phạm tội Như Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh, anh Phan Tiến Dũng là kiểm lâm viên. Tháng 4-2016, anh Lê Quốc Khánh xin anh Dũng vào rừng Đăk Uy cưa cây gỗ trắc chết khô. Cả nể vì anh Khánh thường tìm thuê người làm cà phê giúp, anh Dũng đồng ý. Hôm sau, anh Khánh cùng ba người khác vào rừng cưa cây gỗ trắc chết khô thì bị phát hiện. Khúc gỗ các bị cáo lấy là 0,123 m3 (trị giá hơn 19 triệu đồng). Tháng 9-2016, TAND huyện Đăk Hà phạt năm bị cáo 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Sau đó, TAND tỉnh Kon Tum xử hủy bản án này. Tháng 9-2017, TAND huyện Đăk Hà xử sơ thẩm (lần hai) vẫn phạt các bị cáo 11-14 tháng tù. Tháng 6-2018, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm (lần hai) đã tuyên cả năm bị cáo không phạm tội. Sau đó, TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm từng tuyên không phạm tội, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Xét xử phúc thẩm lần 3 năm 2019, TAND tỉnh Kon Tum đã tuyên các bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản.
|