Qua quá trình nắm bắt, theo dõi, Cục an toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy hiện nay có khoảng 24 chiêu trò gian lận lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng.
Lừa đảo ngày càng tinh vi
Lừa đảo trực tuyến là vấn đề đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Các đối tượng lừa đảo lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin để thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn.
Trong đó có ba nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng tại Việt Nam.
Theo Cục an toàn thông tin, các hình thức lừa đảo trên mạng được kẻ lừa đảo thực hiện bằng nhiều cách khác nhau và ngày càng tinh vi, nhắm vào nhiều nhóm đối tượng từ người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng…
Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ xấu thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau nhưng mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng để chiếm đoạt tài sản.
Phân biệt tin nhắn ngân hàng giả và thật |
Giả mạo ngân hàng, công ty tài chính
Thủ đoạn của chiêu giả danh các công ty tài chính, ngân hàng để thu thập thông tin là kẻ gian đánh vào tâm lý của những người đang cần tiền kinh doanh, tiêu xài, muốn được vay với số tiền lớn nhưng lại gặp khó do dính nợ xấu hoặc không đủ điều kiện vay vốn tại các ngân hàng, công ty tài chính.
Từ đó, các đối tượng mạo danh một số ngân hàng và công ty tài chính có thật tại Việt Nam, tạo lập website, ứng dụng, chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội để chào mới cho vay tín chấp với lãi suất đặc biệt thấp.
Khi áp dụng chiêu trò này, kẻ gian tạo lập hàng ngàn tài khoản facebook với các nguồn thông tin giả, tham gia vào các hội nhóm, diễn đàn, đăng bài quảng cáo cho vay tín chấp với lãi suất chỉ 1%/tháng (12%/năm), thủ tục vay đơn giản, không cần gặp trực tiếp. Thậm chí, nợ xấu vẫn vay được, không thế chấp, không thẩm định, chỉ cần hoặc CCCD và có thẻ ATM là có thể vay được tiền.
Khi có người đồng ý vay, các đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, như họ tên, số điện thoại, ảnh chụp CMND/CCCD, ảnh chụp chân dung… để làm hồ sơ vay.
Tiếp đến, kẻ gian dụ người vay chuyển tiền nhằm hỗ trợ duyệt khoản vay nhưng khi người dân chuyển khoản, nhóm này tiếp tục đưa ra hàng loạt lý do khiến khoản vay không được giải ngân (như khai sai tên người nhận, sai số CCCD…)
Cứ như thế, họ yêu cầu người vay phải nộp thêm tiền kèm theo lời hứa hẹn sẽ hoàn trả đầy đủ cho khách hàng sau khi khoản vay được giải ngân. Tuy nhiên, khi người vay chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng cung cấp kẻ lừa đảo lập tức chiếm đoạt và ngắt liên lạc.
Cần kiểm tra thông tin trước khi vay
Cục an toàn thông tin cho biết nếu người dân bị sập bẫy kẻ gian sẽ không chỉ bị mất tiền mà còn mất toàn bộ thông tin danh tính cá nhân, tiềm ẩn nguy cơ bị đăng kí SIM không chính chủ, đăng kí mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử phục vụ các hoạt động lừa đảo, rửa tiền, cá độ trực tuyến…
Trước các thủ đoạn lừa đảo tinh vi, diễn biến ngày càng phức tạp, cơ quan này khuyến cáo người dân khi có nhu cầu vay tiền cần liên hệ trực tiếp với các ngân hàng, công ty tài chính để được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn.
Cần xác thực chính xác công ty tài chính, tư vấn viên trước khi tiến hành các thủ tục vay tiền bằng cách kiểm tra mã số thuế, địa chỉ, người đại diện công ty, gọi điện thoại đến các số đường dây nóng, chăm sóc khách hàng của các công ty, kiểm tra kỹ các đường link trang web trước khi truy cập.
Đặc biệt, người dân tuyệt đối không cung cấp số CMND, CCCD, địa chỉ, hình ảnh nhận diện khuôn mặt… cho người lạ. Đồng thời, không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP được gửi vào hộp thư, điện thoại di động, không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân mà các đối tượng lạ cung cấp, dụ dỗ.