Ngày 15-9, Ban Tuyên giáo Trung ương đã công bố toàn văn dự thảo Báo cáo chính trị của Trung ương khóa XI trình Đại hội lần thứ XII của Đảng để lấy ý kiến nhân dân (toàn văn các dự thảo này được Pháp Luật TP.HCM đăng trên địa chỉ: phapluattp.vn).
Ở nội dung đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và nhìn lại 30 năm đổi mới, dự thảo báo cáo khẳng định năm năm qua, nhìn tổng quát, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành quả quan trọng. Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên; kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế tuy thấp hơn năm năm trước nhưng vẫn đạt tốc độ khá và có chiều hướng phục hồi… An sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện… Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc được giữ vững để phát triển đất nước. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy …
Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, báo cáo cũng thừa nhận nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu “phấn đấu để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” là không đạt được. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc; nợ công tăng nhanh, nợ xấu đang giảm dần nhưng còn ở mức cao; sản xuất kinh doanh còn gặp rất nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn năm năm trước, không đạt mục tiêu đề ra; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Cùng đó, tình trạng suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí... chưa được ngăn chặn và đẩy lùi...
Hạn chế, yếu kém trên bắt nguồn trực tiếp từ nguyên nhân chủ quan: Cuối khóa X, không đánh giá, dự báo đầy đủ những yếu kém vốn có của nền kinh tế đã bộc lộ nên Đại hội XI đặt ra chỉ tiêu, nhiệm vụ quá cao.
Bên cạnh đó tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa giải đáp kịp thời những vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới; nhiều hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên chậm được khắc phục...
Từ những phân tích ấy, dự thảo báo cáo chính trị đặt mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát cho năm năm tới 2016-2020, theo đó đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, “xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Về kinh tế, tăng trưởng bình quân 6,5%-7%/năm, GDP đầu người đến cuối nhiệm kỳ khoảng 3.200-3.500 USD; tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%; bội chi ngân sách không quá 4%;…